Chat kiểu Vũ Cát Tường thì ai trong chúng ta cũng đã từng thế!
- Thứ bảy - 13/08/2016 01:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Gửi đến anh, em xin trân trọng thông báo đến anh một tình hình cấp thiết có liên quan đến hai chúng ta. Đó là cảm xúc của em hướng về anh ngày càng nâng lên một tầm cao mới trong trái tim và cơ thể, theo hướng tích cực và xây dựng. Em đề đạt nguyện vọng được trao tới anh tình cảm nói trên dưới nhiều hình thức được pháp luật cho phép.
Xin anh nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc."
Đấy là tin nhắn đêm qua của tôi, gửi cho người yêu, sau vụ Vũ Cát Tường bị tố chat nhạy cảm và nói xấu đồng nghiệp.
Từ rày về sau, tôi cứ chat với người yêu thế cho chắc. Nhỡ may ngày kia có bị lộ tin nhắn riêng thì cũng không hề hấn gì vì những tin nhắn của chúng tôi chẳng khác gì một văn bản hành chính.
Ha ha, tôi đùa đấy và dĩ nhiên các bạn biết điều đó!
"Nói xấu" trong chốn riêng tư cũng chẳng có tội
Hiển nhiên là sau khi đọc bài báo về vụ Vũ Cát Tường và tự cảnh tỉnh bản thân xong, chúng mình lại tiếp tục nói chuyện với người yêu hết sức âu yếm. Lại tiếp tục hí hửng rủ bạn thân mở "sổ Nói xấu" viết hết trang nọ đến trang kia, kèm hình minh họa về bất cứ ai lọt vào tầm mắt.
Mẹ thì suốt ngày giục dọn dẹp phòng với phụ bếp, đúng là "bà La sát".
Thầy chủ nhiệm vừa già vừa lạc hậu, tóc mười lăm phân sơ mi như cái bao bố. Thầy người ta sành điệu trẻ trung vui nhộn phát ham.
Cái thằng lớp bên cạnh nhìn chỉ muốn đánh cho một trận. Ỷ hotboy tung tăng đi ghẹo gái đủ các khối lớp...
Vân vân...
Bởi vì bình luận về người khác là một hành vi cư xử rất đỗi bình thường của con người.
Chú nhóc học lớp 1 phá quấy Nicolas (loạt Nhóc Nicolas - Những chuyện chưa kể cực kỳ nổi tiếng của Pháp) gọi tên thầy giám thị là "Thầy Nước lèo" vì mỗi lần phạt bọn chúng ông lại bảo "Hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây" khiến chúng liên tưởng đến nồi nước lèo đầy những con mắt.
Ứng viên tổng thống nước Mỹ, ông Donald Trump, doanh nhân già đời hào hứng nói xấu đối thủ là bà Hillary Clinton, rằng bà là "kẻ nói dối đẳng cấp thế giới", "có vấn đề về tâm thần" và "đã cùng ông Obama sáng lập tổ chức khủng bố quốc tế IS"...
Những chuyện trò trong phạm vi riêng tư đồng nghĩa với TỰ DO. Một thứ TỰ DO hoàn toàn, không ai và không chủ đề gì là cấm kỵ giữa hai người trò chuyện. Phát ngôn của bạn chỉ phải tuân thủ pháp luật khi xuất hiện nơi công cộng, vì khi đó bạn có thể xâm phạm đến quyền tự do của người khác, hay xâm phạm đạo đức xã hội, an toàn xã hội...
Điều 21 Hiến pháp 2013 của nước ta quy định:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Tiết lộ bí mật của người khác: coi chừng vào tù
Ví dụ, bạn không thích người hàng xóm xấu tính và chat chit chia sẻ với bạn thân của bạn, "OK" không vấn đề gì. Nhưng bạn không thể lên báo và nói tôi phát điên lên rồi và cầu cho ông ấy biến mất khỏi cuộc đời này, để đừng làm tôi chướng tai gai mắt nữa. Nhẹ nhất, bạn sẽ phải lên uống nước trà với ban hòa giải tổ dân phố. Nặng hơn, bạn coi chừng phải hầu tòa vì đe dọa sự an toàn của người khác.
Việc hầu tòa cũng hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn phát tán những tin nhắn riêng tư của người khác lên không gian công cộng.
Theo quy định tại điều 159 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015, khung hình phạt nặng nhất cho tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, gây ảnh hướng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác... là phạt tù từ một đến ba năm.
Chưa kể nếu có tình tiết tăng nặng, mức phạt này sẽ cao hơn. Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Do vậy, việc soi mói, mổ xẻ những nội dung chuyện trò riêng tư của người khác rồi dán nhãn "chat sex" hay "nói xấu đồng nghiệp", công phẫn lên án như thể quả đất chẳng còn chuyện gì thiết thực hơn... quả thực là hành vi của những người rảnh nhảm. Không những thế còn chứng tỏ sự thiếu hiểu biết.
Còn hành động tung những tin nhắn đó lên mạng, chẳng thể nói khác - đó là hèn hạ.
Người nào tung tin nhắn này nên dừng lại ngay, vì theo Bộ luật Hình sự 2015, chỉ cần họ lặp lại một lần nữa sẽ bị kết tội.
Nhưng nói đi rồi lại nói lại, lộ tin nhắn riêng "chết người" là chuyện thường của giới showbiz
Cũng chẳng phải là vụ đầu tiên và không chỉ trong showbiz mới thường có chuyện lộ tin nhắn riêng "chết người" như vậy.
Trước, đã có hàng loạt cái tên như ca sĩ Khánh Phương, ca sĩ Cao Thái Sơn, Tim, Đan Trường... bị lộ tin nhắn tố cáo lừa tình, lừa tiền, lả lơi ong bướm ngoài luồng... khiến họ phải ra sức thanh minh, đính chính, hay xuất tiền trả nợ. Hotboy ở Hải Phòng lộ hàng loạt tin nhắn khoe thành tích chăn gối với nhiều cô gái...
Nhưng nói đi thì phải nói lại. Tin nhắn chỉ là một phương tiện kỹ thuật khác của giao tiếp. Thời ghi âm xa dần thì giờ đến chụp màn hình, thực ra cũng là một. Cho nên, ngoài việc lên án kẻ hèn hạ đi tung tin nhắn riêng tư nhằm hại người, những vụ việc kể trên nhắc chúng ta càng nên cẩn trọng trong cách ăn nói, hành xử thường ngày.
Như, cũng là "lộ tin nhắn riêng tư", nhưng khi tin nhắn riêng của Sơn Tùng-MTP được "phơi bày", thì không chỉ fan mà người khác cũng thấy yêu mến ca sĩ này hơn.
Vì anh chàng nhắn tin nói muốn đi thăm bệnh nhân ung thư trong sự "rất im lặng", hoặc thanh minh về việc fanpage bị đổi tên với cách nói ôn hòa, dễ thương, xưng hô đúng mực.
Đoạn tin nhắn Sơn Tùng cới một người bạn về việc muốn âm thầm đi thăm cậu bé bị ung thư khiến người hâm mộ cảm động.
Để chắc ăn, hay là dùng tin nhắn tự hủy (đọc thêm tại đây )
Còn có một cách khác để tránh bị thị phi không đáng có ở thời đại này là dùng các giải pháp công nghệ.
Có những hãng công nghệ đã phổ biến các ứng dụng tin nhắn mà chỉ cần người đối thoại đọc xong là tự hủy lập tức. Chỉ có một cách để lưu lại là chụp màn hình, nhưng nếu một bên có động thái chụp màn hình thì bên kia sẽ nhận được thông báo.
Nhưng công nghệ nào cũng không thể so với sự hiểu biết, vị tha của con người, để chọn ra những việc gì nên làm, có ích và việc nào sẽ gây hại cho người khác, mà trước tiên là hại chính mình.