Việt Nam “vẽ” lại bản đồ hàng không thế giới
- Thứ sáu - 09/09/2016 18:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thị trường hàng không Việt Nam 3 năm trở lại đây có những chuyển biến rất nhanh, rõ nhất là các hãng nội địa chi hàng chục tỉ USD mua sắm máy bay mới. Rất có thể đây là giai đoạn Việt Nam bứt phá để vẽ lại bản đồ hàng không quốc tế.
Đối thủ đáng gờm trong khu vực
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã lọt vào tốp 3 khu vực, tốp 7 quốc tế về tăng trưởng vận tải hàng không, trở thành một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đến năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam sẽ có đội bay gần 400 chiếc Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tổng lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 đạt gần 38 triệu lượt, mức tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không đạt kỷ lục 30%. Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như Emirates, Turkish Arlines, Air France... đã mở đường bay đến Việt Nam.
“Hiện có 3 hãng hàng không nội địa và 55 hãng hàng không nước ngoài khai thác 99 đường bay quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, thị phần của các hãng nước ngoài chiếm 57,6%, các hãng nội địa chiếm 43,3%” - ông Thanh thông tin.
Đáng lưu ý, thị trường hàng không Việt Nam 3 năm trở lại đây có những chuyển biến mạnh mẽ. Trước tiên là việc Vietnam Airlines (VNA) cùng lúc thay thế toàn bộ đội máy bay thân rộng bằng dòng máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 và Airbus 350-900 XWB, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, trở thành một trong những đối thủ đáng gờm của hàng không khu vực.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hãng hàng không được công nhận tiêu chuẩn 4 sao quốc tế. Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA, cho biết hãng đặt mục tiêu phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao trong thời gian tiếp theo, củng cố vị trí là một trong những hãng hàng không quốc tế hàng đầu thế giới và đang nỗ lực mở đường bay đến Bắc Mỹ vào năm 2018.
Hàng loạt thương vụ gây sốc
Trong khi đó, hãng hàng không tư nhân Vietjet (VJ) từ năm 2013 đến nay liên tiếp gây sốc với những hợp đồng mua máy bay “khủng” có giá trị cả chục tỉ USD. Mới đây nhất, VJ ký thỏa thuận mua 20 máy bay A321 nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Việt Nam, trị giá 2,39 tỉ USD.
Trước đó, VJ cũng đã ký với Airbus thỏa thuận thuê, mua tổng cộng 100 chiếc A320 có giá trị 9,1 tỉ USD vào năm 2013, ký với nhà chế tạo máy bay Mỹ Boeing thỏa thuận mua 100 máy bay B737 MAX200 có giá trị 11,3 tỉ USD. Với những hợp đồng gây sốc này, VJ đã trở thành một trong những hãng hàng không phát triển nhanh nhất khu vực, có đội bay 220 chiếc, sẽ nhận từ nay đến năm 2023.
Dư luận không ít lần dấy lên câu hỏi hãng hàng không này lấy đâu ra tiền mua máy bay? VJ vận hành, khai thác như thế nào trong khi hạ tầng sân bay Việt Nam đang quá tải trầm trọng cả trên trời và dưới đất? Những thương vụ gần đây của VJ ở thị trường quốc tế thông qua kế hoạch liên doanh với hãng bay nước ngoài hay hoạt động cho thuê máy bay đã phần nào trả lời những thắc mắc này.
Hôm 7-9, liên doanh hàng không Thai Vietjet đã cùng lúc khai trương 6 đường bay trong lãnh thổ Thái Lan, mở rộng thêm mạng đường bay của hãng với điểm kết nối từ Việt Nam. Các chuyến bay mang thương hiệu VJ Air cũng được thực hiện ở chặng bay từ Bangkok (Thái Lan) đến Bohd Gaya (Ấn Độ) thông qua liên doanh này. Bên cạnh đó, việc mở đường bay đến Nhật Bản, Vladivostok (Nga) đang được VJ xúc tiến.
Một hoạt động khác của VJ cũng gây được sự bất ngờ là trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên tiến vào thị trường đẳng cấp Trung Đông. Đại diện VJ cho biết hãng đã ký hợp đồng cho thuê 3 máy bay (thuê ướt) tại khu vực Trung Đông với thời hạn 6-12 tháng. “Đây là mùa thấp điểm của thị trường trong nước nhưng lại là mùa cao điểm của khu vực Trung Đông do nhu cầu đi lại của khách hành hương. Đặc thù của ngành hàng không là hoạt động theo mùa, nếu không có thị trường bên ngoài sẽ khó tối ưu hóa lợi nhuận” - đại diện VJ lý giải.
Từ xuất phát điểm thấp, các hãng hàng không Việt Nam sẽ có đội bay lên tới gần 400 chiếc vào năm 2023. Các chuyên gia trong ngành hàng không lạc quan cho rằng đây là thời điểm mở ra trang sử mới cho ngành hàng không Việt Nam. Bởi lẽ, với đội máy bay hùng mạnh, Việt Nam sẽ thực sự có tiếng nói, có vai trò lớn hơn trong các hiệp hội, công ước cũng như trong các vấn đề về đầu tư, tài chính, phân chia thị trường, công nghiệp hàng không...