Vé xe khách dịp Tết Nguyên đán: Hành khách lo phụ thu đội giá gấp đôi
- Thứ tư - 28/12/2016 14:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xe thương hiệu bắt đầu “khan” vé
Theo ghi nhận của PV, nhiều nhà xe đã có thông báo bán vé xe khách Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Những ngày đầu mở bán tại các phòng vé của Công ty Du lịch Văn Minh đều quá tải. Nhà xe Văn Minh là một trong những thương hiệu uy tín chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh. Vé xe khách dịp Tết được Công ty này cam kết không tăng giá với 215.000 đồng/lượt. Đại diện nhà xe Văn Minh cho biết, hiện vé không còn nhiều và không nhận đặt vé qua điện thoại mà phải đến trực tiếp tại phòng vé để mua.
Trong khi đó, một số nhà xe như Sự Chuyên, Thơm Phụng chạy tuyến Hà Nội - Quỳnh Lưu (Nghệ An) chỉ lấy mỗi khách 80.000 đồng/lượt. Thậm chí 60.000 đồng/lượt với quãng đường gần 250km. Tuy nhiên, cũng giống như các năm trước, nhiều khả năng các tuyến xe trên sẽ tăng giá vé dịp Tết với việc cộng các phụ thu khác.
Xếp hàng mua vé tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: HP
Thời điểm này, phòng vé bến xe Nước Ngầm đã bán vé xe Tết. Chị Nguyễn Thu Giang, nhân viên bán vé tại đây cho biết, năm nay khách mua vé tăng mạnh so với các năm trước và đa số hành khách gọi điện thoại đặt vé hoặc đặt vé online trên website. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nhà xe có thương hiệu uy tín thường bán vé sớm và nhận đặt vé qua mạng. Trong khi còn nhiều nhà xe chưa bán vé, niêm yết giá vé. Họ chờ đến cận Tết để tăng giá vé thông qua các phụ thu dịp tết.
Một số hành khách mua vé tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết, sẵn sàng chấp nhận mua vé với giá cao hơn 100.000 - 200.000 đồng so với giá vé ngày thường để được đi xe thương hiệu. Bác Dương Danh Hòa, một người đến đây mua vé cho biết, năm trước vừa nghe thông báo bắt đầu bán vé xe Tết, bác ra bến xe Nước Ngầm mua vé về quê nhưng các hãng xe thương hiệu đều thông báo hết vé. Tết năm ngoái bác phải về quê bằng xe tăng cường, giá đắt gấp 2,5 lần, 3 người ngồi 2 ghế suốt quãng đường hơn 300 km.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, số lượng những nhà xe cam kết giữ giá dịp Tết không nhiều, do đó việc khách may mắn sở hữu được tấm vé giá chuẩn về quê ăn Tết chỉ là số ít. Phần lớn hành khách còn lại nhiều khả năng phải trả giá đắt gấp nhiều lần khi ra bến xe trực tiếp mua vé về quê trong những ngày 28, 29, 30 tháng Chạp (Âm lịch).
Bộ Tài chính “canh” giá
Ở khía cạnh quản lý, Bộ Tài chính vừa ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng phối hợp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, Tết, cao điểm để “thổi giá”. Theo đó, các Sở Tài chính phối hợp để Sở Giao thông vận tải các địa phương tiếp nhận kê khai giá từ ngày 1/1/2017 theo quy định. Tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, Tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao... Đồng thời, Sở Tài chính sẽ công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhu cầu đi lại bằng xe khách dịp lễ Tết ở Hà Nội rất lớn.
Ở một diễn biến khác, chiều 20/12 giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh trong dịp điều chỉnh giá cuối cùng trong năm. Theo đó, giá xăng RON 92 tăng 919 đồng/lít; xăng E5 tăng 800 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S tăng 761 đồng/lít và dầu hỏa tăng 734 đồng/lít.
Đây lần điều chỉnh giá xăng thứ 24 trong năm nay với 13 lần tăng giá (tổng cộng gần 6.000 đồng/lít với giá xăng); 9 lần giảm giá (tổng cộng khoảng 4.463 đồng/lít), 2 lần giữ nguyên với dầu. So với thời gian đầu năm, giá xăng đã tăng hơn 1.000 đồng/lít. Việc tăng giá xăng dầu đã gây áp lực tăng giá cước vận tải. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, dịp cuối năm là thời điểm các hãng vận tải có xu hướng tăng giá vì nhu cầu tăng, cộng với việc tăng giá xăng liên tục, nên cước vận tải sẽ khó giữ được giá.
“Chắc chắn các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cho phù hợp thị trường. Theo quy định, khi giá xăng dầu tăng thêm 5% thì doanh nghiệp được phép tăng giá, các lần tăng gần đây đã vượt quá ngưỡng này”, ông Thanh cho hay và cũng đồng ý với quan điểm cần có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, sự giám sát của người tiêu dùng để hạn chế sự tăng giá tràn lan, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.
Tăng cường hơn 2.159 lượt xe khách dịp Tết Nguyên đán Theo kế hoạch của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, dịp Tết Dương lịch, ba bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sẽ tăng 350 lượt xe. Còn dịp Tết Đinh Dậu sẽ tăng 2.159 lượt xe bên cạnh số xe xuất bến hằng ngày để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Cụ thể, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, dịp Tết Dương lịch, công ty yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại các bến xe tăng cường 100 lượt xe cho bến Giáp Bát; tăng 50 lượt xe cho bến Gia Lâm; tăng 200 lượt xe cho bến Mỹ Đình. Còn dịp Tết Nguyên đán, bến Giáp Bát sẽ tăng 933 lượt xe; bến Gia Lâm tăng 270 lượt xe; bến Mỹ Đình tăng 956 lượt xe. Cùng với việc tăng cường xe dự phòng, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội yêu cầu các công ty quản lý bến xe thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra việc tăng giá vé, cước lệch chiều của các đơn vị vận tải, ngăn chặn việc thu giá vé cao hơn giá đã đăng ký. |