Trung Quốc không còn là nơi có chi phí sản xuất siêu rẻ
- Thứ năm - 22/06/2017 03:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lâu nay, hàng hóa "Made in China" đã lan tỏa trên khắp thế giới nhờ mức giá rẻ do Trung Quốc tận dụng được lợi thế về chi phí nhân công. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Giờ là thời của doanh nghiệp chạy theo thương hiệu "Made in USA", đó là những sản phẩm do người Trung Quốc sản xuất, nhưng là trên đất Mỹ.
CNN Money nhận định, Trung Quốc không còn là nơi có chi phí sản xuất siêu rẻ như trong quá khứ. Chi phí càng cao, các nhà sản xuất càng nỗ lực tìm kiếm những miền đất mới. Câu hỏi đặt ra: Tại sao các doanh nghiệp lại chạy theo thương hiệu "Made in USA"?
Nếu xem xét trên phương diện chi phí, Mỹ rất có lợi thế. Đơn cử như một công ty dệt may có trụ sở ở Trung Quốc và chi nhánh ở Mỹ. Tiền mặt bằng, tiền điện, tiền nguyên liệu trên đất Mỹ chỉ bằng 3/4 so với tại Trung Quốc. Mặc dù các công nhân Mỹ được trả lương cao hơn công nhân Trung Quốc, nhưng mỗi năm, lương tại Trung Quốc lại tăng 30%.
Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15%, thị trường Mỹ lại càng hấp dẫn hơn. Thậm chí, chỉ cần giảm 5% cũng có thể kéo các công ty từng rời Mỹ cách đây vài năm chuyển hoạt động về quê nhà.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đặt chân trên đất Mỹ sẽ được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và môi trường kinh doanh ổn định. Lợi là vậy, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản. Các công ty đang có ý định chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ đang đau đầu vì vấn đề thị thực khi mà Mỹ đang siết chặt số người nhập cư.
Ngoài chuyện thiếu công nhân tay nghề cao, chuyển nhà máy tới Mỹ vẫn còn khá khó khăn. Vì đối với một số ngành, như vậy đồng nghĩa với việc phải tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, một số người Mỹ cho rằng, xu hướng này là mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ khi người lao động nước ngoài có thể "nẫng" việc làm của người Mỹ.
Trên thực tế, các công ty Trung Quốc đã rót hơn 14 tỷ USD và tạo ra gần 80.000 việc làm cho Mỹ trong năm 2013. Ngành nào có sự nhúng tay của Trung Quốc, ngành đó có cơ hội phục hồi.
Tờ CNBC kết luận, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ là một cơ hội tích cực cho cả hai. Có thể nói, Trung Quốc và Mỹ đang cùng tạo ra của cải, đóng góp vào sự thịnh vượng chung.