Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tiêu hủy toàn bộ số tôm 10 càng hung dữ ở Đồng Tháp

Tiêu hủy toàn bộ số tôm 10 càng hung dữ ở Đồng Tháp
Tôm hùm nước ngọt (được người dân gọi là tôm hùm đỏ, tôm 10 càng) cấm nhập khẩu vào Việt Nam vì nguy cơ gây bệnh cho loài tôm trong nước, giá trị kinh tế thấp, phá hoại hệ thống thủy lợi.

Ngày 8-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết cơ quan chức năng đã phát hiện việc lén lút nuôi loại tôm hùm nước ngọt (hay cách gọi của người dân là tôm hùm đỏ vì nó có vỏ màu đỏ) do Công ty TNHH Sen Hoàng Giang nuôi từ cuối năm 2016.

Theo ông Tài, báo chí vẫn đăng tin nhưng thực tế Sở và các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương đã xử lý tiêu hủy hết số tôm bị cấm nuôi, cấm nhập khẩu trên trong tháng 12-2016.

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra lại quá trình hoạt động của công ty này cũng như trên địa bàn. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào nuôi lén lút, ngoài việc buộc tiêu hủy còn xử lý mạnh tay.

Trước đó, ngày 6-2-2017, một số báo đưa tin về việc người dân ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xôn xao trước sự xuất hiện của những con tôm hùm nước ngọt màu đỏ hung dữ, có tới 10 càng, hai càng trước chỉ cần kẹp cái “tách” là cây lúa đứt làm đôi...  

Theo Tổng cục Thủy sản, tên gọi chính xác của loại tôm này là tôm hùm nước ngọt hay tôm hùm đất, tên khoa học là Procambarus clarkii, một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở miền Nam nước Mỹ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.

Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến bốn tháng và vòng đời có thể kéo dài đến sáu năm.

Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản cho biết loại tôm này được nuôi rất nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Phần Lan, Trung Quốc… Tại Việt Nam vẫn được bán thông qua hình thức nhập xách tay lén lút từ Trung Quốc vào. Loại tôm này đầu to, vỏ cứng, thịt ăn được rất ít (chỉ chiếm 15%-20% trọng lượng), không ngon như các loại tôm nuôi ở Việt Nam.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây