Thủy sản xuất khẩu của VN bị trả về chỉ đứng sau TQ
- Thứ tư - 21/09/2016 23:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại Diễn đàn “An toàn thực phẩm: câu hỏi về sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau” diễn ra ngày 20/9, bà Hoàng Mai Vân Anh, cán bộ chương trình UNIDO cho biết: Việt Nam xếp trong 3 nhóm quốc gia có số lượng trường hợp sản phẩm thủy sản bị từ chối nhập khẩu cao nhất ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc. Thiệt hại về tài chính ước tính 14 triệu USD/năm.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân chính khiến sản phẩm lô hàng bị từ chối ở cửa khẩu là do hàng bị nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc thú y vượt ngưỡng, chứa chất gây ô nhiễm, dán nhãn…
Cụ thể, tại thị trường Liên Minh Châu Âu, Việt Nam có lô hàng bị từ chối cao nhất (chiếm 11,6%), sau đó đến Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Còn ở Mỹ, Việt Nam đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với tỷ lệ hàng bị từ chối là 14,2%. Ở thị trường Úc là 11,5%, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3. Còn ở Nhật Bản, tỷ lệ này lên tới 27,5% , Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các lô hàng bị trả về.
Ông Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc công ty CP Nông phẩm Công nghệ cao An Việt cho rằng: trước đây chúng ta tập trung tăng lượng mà quên chất, đến giờ mới nhìn lại rằng “không ai chết đói mà chết vì ngộ độc” và bắt đầu quan tâm đến thực phẩm sạch.
Tuy nhiên với điều kiện sản xuất manh mún nên rất khó để có sản phẩm an toàn. Theo ông quan trọng là doanh nghiệp ở giữa, hỗ trợ nông dân và sản phẩm làm ra phải có đầu ra. Doanh nghiệp phải kéo người tiêu dùng cùng giám sát chất lượng còn Nhà nước có cơ chế quản lý để mớ rau, con cá đưa lên quầy kệ bán không phải mất lòng tin như bây giờ.
“Muốn thành công chống thực phẩm bản phải chung tay góp sức của doanh nghiệp, nhà nước, các nhà khoa học, đặc biệt là phải có vai trò của người tiêu dùng vì liên quan đến quyền lợi của họ. Hơn nữa phải thay đổi tư duy rằng doanh nghiệp lớn vào thay thế luôn việc sản xuất của nông dân, chỉ thuê nông dân thì sẽ khó thực hiện được. Tôi cũng đã phải trả giá cho việc này”, ông Đạo chia sẻ.
Ông Hoàng Mạnh Hiểu, Phó trưởng Bộ môn Công nghệ Bảo quản, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEF) cũng cho rằng, chúng ta sản xuất quá nhỏ lẻ, chỉ 0,5ha/hộ gia đình và chưa có sự liên kết với nhau nên khó khăn trong việc áp dụng công nghệ. Doanh nghiệp lại ngại đầu tư. Mặc dù chi phí bỏ ra khoảng 100- 200 đồng/kg rau để cải thiện sự an toàn, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng rau nhưng doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi lớn. Khi đi vào thực tế, doanh nghiệp cắt bỏ những chi phí đó để tối ưu hóa lợi nhuận. Đầu tư không đồng bộ nên thiếu chuỗi thực phẩm an toàn.
Đối với nông dân, dù đã được tập huấn nhiều lớp sản xuất an toàn nhưng vẫn sản xuất tùy tiện, thiếu sự tuân thủ. Người sản xuất thiếu trách nhiệm với sản phẩm. Ông đã từng chứng kiến người dân rửa cam với nước xà phòng để quả trông bóng đẹp hơn.
Ở góc độ nhà bán lẻ, Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN cho biết, thực phẩm và sức khỏe là mối quan tâm số một của người Việt Nam. Thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc, lo lắng cho người dân. Do đó xu hướng tiêu dùng của người Việt, yêu cầu của xã hội hiện nay là “thực phẩm an toàn”.
“Tôi tham dự hội nghị, có một vị quan chức nói rằng mọi người cứ làm nghiêm trọng vấn đề chứ thực chất thực phẩm không đáng quan ngại, minh chứng là tuổi thọ VN đang ngày càng tăng. Tôi cho rằng đấy là cách nhìn phiến diện. Tôi nghĩ tuổi thọ như vậy vì lớp người già được hưởng thực phẩm sạch trước đây, còn nay lớp trẻ liệu chắc gì, sau 10 năm, 20 năm nữa có được như vậy. Do đó nếu nhìn tuổi thọ để nói thực phẩm chưa đáng báo động thì tôi không đồng tình”, bà Loan nêu.
Bà cho biết, nguyên nhân gây mất ATTP do nhiễm vi sinh độc hại, chất cấm, bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu, chất độc trong môi trường, chất độc sinh ra trong quá trình vận chuyển…
Bà cũng cho rằng cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, người sản xuất mới giải quyết được vấn đề ATTP.
Trong đó các nhà bán lẻ có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ATTP từ kho hàng đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần có cái nhìn thấu đáo, không phải chỉ một vài thông tin mà mất niềm tin với thực phẩm an toàn.