Thương lái, nông dân “èo uột” vì xăng tăng giá
- Thứ tư - 28/12/2016 10:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Hai Kha người buôn bán lâu năm ở chợ Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) nói: “Gần tết giá đồ rẫy tăng mạnh, hàng chủ yếu lấy đem đi bỏ mối ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Tôi có 2 chiếc xe loại 1,2 tấn chạy mỗi ngày ở khu vực chợ này. Lúc trước xe tôi đổ dầu lần 500 ngàn chạy được 4 ngày nhưng bây giờ giá xăng dầu tăng 500 ngàn chỉ đủ chạy được 2 - 3 ngày. Tôi chở đồ tính theo số kí, cứ 10 kí là tôi lấy 1,5 ngàn đồng tiền công, bây giờ ở chợ này có nhiều xe chở đồ, phải cạnh tranh nên không thể tăng giá”.
Ở thành phố Cần Thơ, những ngày cuối năm chợ nổi Cái Răng hoạt động nhộn nhịp nhưng không còn cảnh đông đúc như trước nữa. Ông Hai Trung quê ở Đồng Tháp có ghe hơn chục tấn chở bắp cải sang chợ nổi Cái Răng bán hơn 15 năm nay. Ông cho biết, mấy năm trước làm có ăn, gần Tết đi chuyến vài ba ngày là lời vài triệu như chơi nhưng giờ chợ vắng vẻ lại chi phí tăng cao.
“Bây giờ đường sá thông thoáng nên người ta đi chợ phía trên bờ, ít đi dưới sông nên chủ yếu bán sỉ lại cho bạn hàng nên giá không cao lắm. Chưa kể, thời điểm này mọi chi phí đều lên, xăng dầu mua chạy hằng ngày cũng lên giá, trong khi sức mua như hiện nay rất èo uột nhưng cũng cố gắng đeo nghề chứ bỏ thì không biết làm gì để sống”, ông Hai Trung nói.
Tại cuộc họp về cân đối cung cầu, bảo đảm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán mới đây, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết, thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Công Thương rà soát nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để cân đối, tìm kiếm nguồn cung dự phòng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhằm không để tình trạng thiếu hàng hóa, nâng giá.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu Sở Công Thương thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, chợ để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt hàng giả, kém chất lượng và không để các đối tượng buôn bán các mặt hàng này trà trộn về các vùng nông thôn bán hàng, gây thiệt hại cho người dân.
* Tại xã Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang người dân trồng ớt vui mừng vì giá ớt tăng cao kỉ lục từ 14 ngàn đồng/kg lên 90 - 100 ngàn/kg trong hơn 20 năm trở lại đây. Anh Nguyễn Công Thành người dân trồng ớt nơi đây chia sẻ: “Chủ yếu các thương lái thu mua ớt xuất sang thị trường Trung Quốc bên đó người ta mua nhiều nên giá lên cao”.