Thực phẩm Tết: Hàng ngoại lên ngôi
- Thứ hai - 26/12/2016 10:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đua nhau đặt hàng nhập ngoại
Tại cửa hàng bánh kẹo trên các tuyến phố khác ở Hà Nội, hàng sản xuất trong nước rất ít và thường bị xếp trong góc cửa hàng. Chị Lê Hương, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy cho biết, đang khảo sát giá, mẫu mã bánh kẹo làm quà cho công ty. “Giá bán năm nay tăng nhẹ 5-10% với các sản phẩm ra đời năm ngoái. Nhiều sản phẩm có bao bì bắt mắt, giá phải chăng. Tôi đặt hàng sớm, vì càng sát ngày, giá tăng nhanh, thậm chí một số mẫu mã, chủng loại tăng giá gấp đôi”, chị Hương nói.
Phục vụ lễ Noel, năm mới 2017 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Cty TNHH Hải Hà Kotobuki (Hà Nội) có kế hoạch cung ứng 450 tấn bánh, mứt, kẹo. Ảnh: TTXVN.
Hệ thống siêu thị Big C có chương trình khuyến mãi Tết khá rầm rộ. Tại đây, giá nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan như bánh kẹo, hạt điều… cao hơn sản phẩm trong nước không nhiều nên được khá nhiều người chọn mua. “Hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 như bia, nước ngọt, bánh, kẹo được Big C nhập hàng vào để dự trữ bán Tết khá sớm. Tổng lượng hàng hóa các loại tăng 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2016. Chúng tôi cam kết không tăng giá bán Tết (ngoại trừ mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa)”, đại diện Big C cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc hàng ngoại lấn át hàng trong nước trong hệ thống siêu thị cũng như ở chợ truyền thống không phải là chuyện mới, đặc biệt, kể từ sau khi Cộng đồng kinh tế Asean hình thành. Số liệu về xuất, nhập khẩu từ cơ quan chức năng cho thấy, hàng Việt Nam xuất đi các nước giảm 9,6% nhưng hàng nhập khẩu tăng tới 40% so với năm trước. Như hàng Thái Lan (từ hoa quả đến sản phẩm tiêu dùng) đang xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, cho thấy sự lép vế của nhiều sản phẩm hàng hóa Việt. Việc người Thái mua lại hệ thống siêu thị và dùng biện pháp hạn chế hàng Việt Nam vào siêu thị (như giảm giá phần trăm, yêu cầu khắt khe về chất lượng..) khiến doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn hơn khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường.
“Chúng ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng sự chuẩn bị chưa tốt và sản phẩm trong nước chưa đủ sức cạnh tranh cả về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nếu không nỗ lực cải thiện mẫu mã, giá thành, hàng Việt sẽ tiếp tục thua ngay trên sân nhà”, ông Doanh nhận định.
Hàng Trung Quốc lấn át hàng trong nước
Đồ khô, theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ truyền thống, cũng trong tình trạng bị hàng Trung Quốc lấn át khá nhiều. Tại chợ đầu mối như Long Biên, Đồng Xuân (Hà Nội), mỗi ngày có hàng chục xe tải tấp nập giao, nhận hàng khô. Từng bao tải 30-50 kg mộc nhĩ, nấm hương, hành, tỏi xếp la liệt trong từng ki ốt. Theo chị Hà chủ quầy hàng ở chợ Đồng Xuân, nhiều loại hàng khô bán tại chợ có xuất xứ Trung Quốc.
“Tôi nhập về bán lẻ ở chợ, nếu quản lý thị trường hỏi nguồn gốc cứ bảo măng khô mua của người dân ở Tuyên Quang nên không có hóa đơn. Các loại tỏi, hành, nấm hương cũng nói như thế”, chị Hà bật mí về cách qua mặt cơ quan chức năng.
Tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá mộc nhĩ 160.000 đồng/kg; nấm hương 350 – 450 nghìn đồng/kg; măng khô 200-350 nghìn đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, nhãn mác của hàng, chị Thủy chủ quầy nói: “Hàng này tôi mua của người dân ở các tỉnh nên không đóng bao bì. Về chất lượng em yên tâm là ngon. Cần bao nhiêu hàng tôi đều cung cấp được. Nhưng giá từ nay đến tết tăng lên theo ngày, em càng đặt sớm càng rẻ”.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trước thực trạng hàng Trung Quốc nhập lậu tuồn vào nội địa, cạnh tranh không bình đẳng với hàng trong nước, lực lượng hải quan, quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm lớn nhất. “Trong khi hàng trong nước phải chịu nhiều loại thuế thì không thể cạnh tranh với hàng nhập lậu giá rẻ”, ông Doanh đánh giá.
Nhiều địa phương lên kế hoạch bình ổn thị trường Tết Bộ Công Thương cho biết, 27/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó, 12 địa phương (Vĩnh Long, Thái Nguyên, Tây Ninh, Sóc Trăng, Phú Thọ, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Thuận) có kế hoạch chi tiết triển khai chương trình bình ổn thị trường. Năm nay, hầu hết các địa phương kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng trên địa bàn hoặc hỗ trợ lãi suất vay để bình ổn thị trường. Theo Bộ Công Thương, Hà Nội năm nay thực hiện chương trình bình ổn thị trường không sử dụng ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa ước tính tăng 10-15% so với các năm trước, với tổng trị giá khoảng 23.500 tỷ đồng. Các đơn vị cũng chuẩn bị tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 454 chợ truyền thống và cửa hàng tiện ích; tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các quận, huyện, khu công nghiệp, tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt, 100 chuyến bán hàng lưu động về các vùng ngoại thành, khu công nghiệp trong dịp gần Tết... Phạm Tuyên |