Tăng lương tối thiểu vùng năm 2018: Phải hài hòa lợi ích
- Thứ ba - 25/07/2017 08:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tăng lương, đẩy khó cho DN?
Đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện giới chủ sử dụng lao động cho rằng, không nên tăng, hoặc tăng dưới 5% so với lương tối thiểu vùng năm 2017. Lý do VCCI đưa ra là DN còn khó khăn, tăng lương kéo theo tăng chi phí bảo hiểm, công đoàn và nhiều chi phí khác ăn theo lương. Theo VCCI, đây cũng là ý kiến từ nhiều DN.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Cty May 10 cho rằng, hiện DN còn khó khăn, hàng Việt phải cạnh tranh gay gắt, để hỗ trợ DN, chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Ông Việt đưa ra tính toán, lương tối thiểu của công ty ông đang áp dụng 3,75 triệu đồng/tháng (vùng 1), hệ số lương áp dụng ở mức thấp nhất 1,13, công nhân lương thấp nhất cũng 4,1 triệu đồng/tháng (chưa tính tăng ca).
“Nhiều NLĐ tay nghề kém, có tâm lý ỷ lại, ngày chỉ làm 8 tiếng đã nhận lương hơn 4 triệu đồng. Giờ nếu tăng lương, số NLĐ ỷ lại vẫn được tăng thu nhập trong khi không cần cố gắng, nỗ lực gì. Số lao động này chúng tôi có xấp xỉ 10% tổng số lao động”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, hiện quỹ lương của công ty khoảng 720 tỷ đồng/năm, nếu tăng lương thêm 7%, quỹ lương công ty sẽ tăng thêm 30 tỷ đồng. Chưa kể tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo lương. Như năm 2017 thay đổi cách tính lương đóng bảo hiểm xã hội và tăng lương tối thiểu, chi phí bảo hiểm xã hội của Công ty May 10 đã tăng thêm 22 tỷ đồng so với năm 2016. Trong khi cả năm 2016, công ty chỉ có lợi nhuận 50 tỷ đồng. Ông Việt tỏ ra lo lắng trước áp lực chi phí lao động tăng mỗi ngày.
Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 có thể tương đương năm 2017. Ảnh: Phạm Thanh.
Bà Vũ Thị Hà, Phòng Lao động - tiền lương và chế độ chính sách, Tổng Cty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí, cũng đề xuất kéo dài lộ trình tăng lương tối thiểu vùng. Trước mắt, hoãn tăng lương tối thiểu năm 2018. “Tăng lương cho NLĐ có thêm thu nhập, nhưng đẩy khó khăn lên DN. Nhiều DN khó khăn, nguồn tiền để trả ở mức tối thiểu đã khó”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, khi lương tối thiểu tăng, chi phí sinh hoạt, phí đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng theo, nên lương thực nhận của NLĐ không cải thiện. Nếu tăng lương dựa theo năng suất lao động sẽ không ai bàn cãi gì, nhưng lương tối thiểu tăng sẽ phải tăng đồng loạt cho tất cả NLĐ, NLĐ không cần cố gắng vẫn được tăng lương.
Mức tăng chỉ bù trượt giá
Đến thời điểm này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện NLĐ) vẫn đề xuất phải tăng 13,3% mới cải thiện được phần nào đời sống NLĐ, bù trượt giá. Cơ quan này dẫn khảo sát trong những tháng đầu năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn thực hiện cho thấy, đa số NLĐ chỉ thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Tức không có tích lũy, ngừng làm việc hoặc ốm đau, bệnh tật sẽ lập tức rơi vào khó khăn. Hiện mức chi tiêu trung bình của một gia đình 4 người (2 vợ chồng và 2 con) khoảng 9 triệu đồng/tháng. Trong khi lương hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu sống của gia đình NLĐ, nên phải tăng.
Một thành viên độc lập của Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 có thể chỉ bằng mức tăng năm 2017. Vì năm nay, chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức thấp. Dù đại diện NLĐ đề xuất mức tăng cao (tăng 13,3%), nhưng về phía DN mức tăng như vậy quá cao so với sức khỏe DN hiện nay. Cùng với đó, tăng lương sẽ khiến DN phải cắt giảm lao động, tác động tới an sinh. Nhưng ở phần ngược lại, tăng lương sẽ kích thích DN cải thiện công nghệ, nâng cao năng suất lao động. “Mức tăng lương hiện chủ yếu để bù trượt giá, còn để cải thiện đời sống NLĐ chưa nhiều, chưa kể tăng lương sẽ tăng giá sinh hoạt. Nhưng cũng phải cố gắng để cải thiện phần nào đời sống NLĐ”, vị chuyên gia trên nói.
Theo Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp (kiêm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia), ngày 28/7 tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục nhóm họp để các bên trao đổi, thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
“Trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi tạo điều kiện cho các bên trao đổi, thương thảo. Mức tăng lương phải góp phần cải thiện đời sống NLĐ và phù hợp năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng, sức chi trả của DN. Chúng tôi mong muốn mọi thành quả phát triển kinh tế - xã hội được chia sẻ giữa DN và NLĐ”, ông Diệp nói.
Trước đó, trong lần họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất tăng hơn 11% so với năm 2016. Trong khi VCCI đề xuất lương tối thiểu vùng chỉ tăng 5%. Cuối cùng, các bên thống nhất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng bình quân 7,3%.
Tăng lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Như vậy, dự kiến nếu được thông qua và điều chỉnh tăng, một lực lượng lao động không nhỏ sẽ được thụ hưởng chính sách này.