Tăng lương tối thiểu vùng 2018: Doanh nghiệp ở thế "tiến, thoái lưỡng nan"?
- Thứ bảy - 05/08/2017 14:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức hai phiên họp nhưng vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Ở phiên họp thứ nhất, mức đề xuất tăng lương tối thiểu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động chênh nhau ở mức cao, tới hơn 8%. Nhưng ở phiên họp thứ hai, đề xuất của các bên đã xích lại gần nhau hơn, chỉ còn chênh nhau 3%.
Phiên họp thứ ba dự kiến diễn ra vào tuần tới, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ được chốt để trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu không tăng lương thì rất khó tuyển lao động, còn nếu năm nào cũng tăng lương thì người lao động sẽ có tính ỷ lại,… Đây cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trăn trở hiện nay.
Doanh nghiệp cho rằng, nếu cứ tăng lương đều hàng năm thì người lao động sẽ có tính ỷ lại, không thúc đẩy năng suất mà chỉ trông chờ vào tăng lương.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty May Minh Trí cho biết, hiện công ty đang sử dụng hơn 2.000 công nhân và hàng tháng quỹ lương của công ty phải trả cho người lao động khoảng 13-14 tỷ đồng. Việc tăng lương tối thiểu vùng đối với DN ông không vấn đề gì. Bởi nếu tăng lương tối thiểu vùng thì chỉ ảnh hưởng đến phần đóng bảo hiểm, nhưng điều này lại khiến người lao động vui vẻ hơn.
“Theo tôi nên tăng lương tối thiểu ở mức cao hẳn lên rồi để một thời gian dài cho DN xoay xở, chứ năm nào cũng cứ tăng lương nhưng chỉ nhích lên một chút thì chỉ mất thêm thời gian. Tăng cao hẳn lên rồi giữ yên một thời gian dài để DN có định hướng, còn việc có năm tăng cao, năm tăng thấp sẽ chỉ khó cho DN lập kế hoạch kinh doanh. Mặt khác, nếu cứ tăng lương đều hàng năm thì người lao động sẽ có tính ỷ lại, không thúc đẩy năng suất mà chỉ trông chờ vào tăng lương”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng lại cho hay, chỉ có chính sách tiền lương mới có thể giữ chân người lao động và đây cũng là lý do để mức lương công ty Minh Trí đang trả cho người lao động hiện nay còn cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện tại.
“Đơn vị nào trả thêm 500.000 đồng/tháng là lao động sẵn sàng “nhảy” việc. Còn các chế độ đãi ngộ khác như tiền thưởng, nghỉ mát, thai sản… người lao động cũng không coi trọng lắm, mà họ tính mỗi tháng cao hơn 500.000 là cả năm có thêm 6 triệu đồng là họ “nhảy” việc. Giữ công nhân bây giờ rất khó, kể cả những người đã làm tới 15-20 năm nhưng vẫn bỏ, chứ chưa nói đến công nhân mới”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Cũng trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hiệp hội da dày Phù Yên (Phú Xuyên – Hà Nội) thì cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng là đúng, nếu không tăng thì làm sao bảo đảm được cuộc sống của người lao động khi tất cả chi phí khác đều đã tăng lên và nên tăng lương theo năm sẽ phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
“Theo đề xuất của VCCI, mức tăng 5% của năm 2018 là phù hợp. Tăng lương ở mức nào đều có sự tác động tới doanh nghiệp, tuy nhiên nếu không tăng lương thì khó tuyển công nhân, trong khi ngành da dày hiện đang có nhiều đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nên các nhà máy sản xuất gia công cho các hãng quốc tế hiện cũng đang thiếu công nhân rất nhiều. Thực ra mức tăng 5% chỉ là mức độ đánh sàn cho nhiều DN thôi, nếu không tăng lương thì rất khó tuyển lao động”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, nếu tăng lương tối thiểu cao hơn mức 5% thì tác động khá nhiều đến DN bởi khi tăng lương thì tất cả chi phí đều tăng sẽ thêm gánh nặng cho DN trong khi giá trị thặng dư kém đi rất nhiều. Như vậy, buộc DN phải đưa thêm dây chuyền máy móc sản xuất mới vào để tăng năng suất lao động lên.
Mới đây, trong buổi đối thoại với DN của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 đã kiến nghị Chính phủ không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Bởi theo ông, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định thì lương tối thiểu mà công ty đang trả là hơn 4 triệu đồng/tháng.
Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, tiền đóng bảo hiểm xã hội và các phí khác của Công ty May 10 đã “đội” lên 22 tỷ đồng.
“Dưới góc độ của người lao động, tôi đồng tình rằng tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Nhưng dưới góc độ của người sử dụng lao động thì việc tiền lương tối thiểu cứ tăng liên tục, đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp không thể tồn tại thì việc tiền lương tối thiểu tăng 5%, 7% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa. Doanh nghiệp cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng do chi phí cho nhân công cao, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, việc tăng lương hiện nay không đồng hành với tăng năng suất lao động. Vì thế, không nên tăng tiền lương tối thiểu hàng năm. Nếu tăng thì phải có lộ trình và nên tham khảo doanh nghiệp hoặc tăng ở mức hết sức hợp lý để doanh nghiệp có thể chịu đựng được.