Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Sức ép lên mặt bằng lãi suất gia tăng

Sức ép lên mặt bằng lãi suất gia tăng
Tăng trưởng tín dụng đang cho những diễn biến tương đối tích cực so với các năm gần đây. Bản tin thị trường của Công ty chứng khoán BVSC chiều 20/3 vừa phát đi cho biết.

Cụ thể, theo một lãnh đạo cao cấp của NHNN thì tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2/2017 đạt xấp xỉ 2% so với cuối năm ngoái trong khi cùng kỳ năm 2016 và 2015, mức tăng này chỉ quanh 0,6%. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục duy trì ổn định kể từ tháng 12/2014, trong đó tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng tín dụng, còn lại tín dụng trung và dài hạn chiếm 55%. 

Do diễn biến tăng trưởng tín dụng khả quan trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dư thừa, mặt bằng lãi suất huy động cũng đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vừa và nhỏ như: Maritimebank tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng, từ mức 5,05% lên 5,2%/năm; Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%... Bên cạnh đó, lãi suất tăng còn do các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017. 

Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi. Nhân tố cuối cùng chính là áp lực bên ngoài đến từ lộ trình tăng lãi suất của FED. Dự kiến sau quyết định tăng ngày 15/03 vừa qua, FED sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. 

“Nếu trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, rất có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp có thể sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Hệ quả là tỷ giá sẽ lại biến động và nếu muốn ngăn điều này xảy ra, lãi suất tiền Đồng phải ở mức đủ hấp dẫn để người gửi tiền vẫn nắm giữ VND bất chấp kỳ vọng biến động tỷ giá”, BVSC nhận định. 

Theo thông tin từ UBGSTCQG và NHNN, tín dụng tháng 1 tăng +1.75%, cao nhất 5 năm còn huy động lại giảm -1.6%, thấp nhất 5 năm. Một điều tương đối khó hiểu là tín dụng sau khi đã tăng phi mã gần 4% vào tháng 12/2016 lại tiếp tục tăng gần 2% vào tháng 1, tháng có 1/3 thời gian là nghỉ tết. “Với lượng OMO đang lưu hành thấp hơn nhiều cùng kỳ, chúng tôi cho rằng mức độ tăng trưởng tín dụng thực không lớn như con số báo cáo và vì vậy áp lực thanh khoản từ chênh lệch tín dụng với huy động là không cao”, SSI cho biết. 

Tựu chung lại, BVSC cho rằng sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Tuy vậy, sức ép này có thể sẽ không quá lớn nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt và lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn đúng theo dự kiến, không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây