Startup tuyển người: Khó vì yêu cầu cao.
- Thứ sáu - 09/12/2016 10:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Hải cho biết: “Đa số người lao động có năng lực làm việc tốt muốn phát triển tại những DN lớn chứ ít khi muốn chịu rủi ro cùng startup”. Lý do là các công ty có bề dày thành tích, môi trường làm việc chuyên nghiệp là nền tảng ổn định để họ học hỏi. Hơn nữa, mức lương hấp dẫn mà những công ty lớn đưa ra, điều mà startup không làm được, là yếu tố quyết định sự gắn bó của người lao động hơn cả.
Trong khi đó, tâm lý chung của doanh nghiệp khởi nghiệp là muốn tìm những cá nhân có lòng nhiệt huyết, hoài bão lớn và sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp. Đối tượng mà các startup hướng đến thường là người thân quen hoặc là sinh viên mới ra trường nhưng phải có thành tích tốt.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sử dụng lao động là người thân dễ gây ra những vấn đề rắc rối không đáng có.
Các chuyên gia tư vấn của cộng đồng doanh nhân MobiBiz.vn lấy minh chứng trường hợp khởi nghiệp của anh Ngọc Tuấn (Đông Anh, Hà Nội). Với số vốn khá ít ỏi ban đầu, anh Tuấn quyết định đầu tư mở công ty về nhân sự, dịch vụ bảo vệ. Để đảm bảo nhân sự “có thể tin tưởng được”, anh đã huy động toàn bộ người nhà làm nhiều vị trí trong công ty từ kế toán, phó giám đốc phụ trách... cho đến cả nhân viên bảo vệ.
Vì điều này, trong quản trị nhân sự, anh không tránh khỏi sự ưu tiên cho người nhà khiến các nhân viên khác không hài lòng... Chỉ trong thời gian ngắn sau khi thành lập công ty, nhiều nhân viên đã xin nghỉ việc, trong đó có cả những người thân và không ít mối quan hệ trong gia đình bị ảnh hưởng.
Nhân sự cho startup không nhất thiết phải quá giỏi nhưng cần phối hợp ăn ý trong công việc - Ảnh minh họa
Với phương án lựa chọn người mới ra trường, các chuyên gia MobiBiz.vn cũng cho biết startup nên chọn những người phù hợp với văn hóa công ty chứ không nhất thiết phải là người có thành tích xuất chúng. Thực tế, trong nhiều trường hợp, một nhóm cử nhân có bằng tốt nghiệp loại khá có thể làm việc với nhau hiệu quả hơn một nhóm xuất thân từ những trường nổi tiếng với bằng cấp ấn tượng.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện tuyển nhân sự của tỷ phú Jack Ma những ngày đầu thành lập Alibaba. Jack Ma là một giáo viên Anh ngữ, dường như có rất ít khả năng trở thành một CEO doanh nghiệp công nghệ giỏi. Những nhà đồng sáng lập khác của Alibaba cũng tương tự như vậy.
Ban đầu, Jack Ma tuyển dụng hàng loạt nhà quản lý có sơ yếu lý lịch “khủng” và cả những người tốt nghiệp các trường đại học thuộc nhóm Ivy League (sinh viên của nhóm trường Ivy League thường được xem là những người có trình độ xuất sắc). Tuy nhiên, những người này lại không phối hợp làm việc tốt với nhau.
Sau khi sa thải nhóm lãnh đạo kể trên, những người đồng sáng lập ban đầu tiếp tục quản lý Alibaba thì mọi thứ lại trở nên suôn sẻ. Rốt cục, nhóm sáng lập gồm những người không có nhiều thành tích hoặc bằng cấp ấn tượng đã đưa Alibaba thành một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới chứ không phải những người sở hữu thành tích hoành tráng.