Ông Trầm Bê và đồng phạm gây thiệt hại hơn 6.600 tỉ đồng
- Thứ bảy - 12/08/2017 09:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 11-8, cơ quan chức năng tiếp tục làm việc với 25 bị can trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng (NH) Xây dựng Việt Nam (VNCB), NH Tiên Phong (TP Bank), NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng
Đến nay, trong số 25 bị can bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng", Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam 16 người. Trong số 24 người bị khởi tố cùng ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) có giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TP Bank và 11 người được thuê để đứng tên vay vốn NH.
Liên quan đến vụ án này, nguồn tin từ cơ quan tố tụng cho biết hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng" của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng.
Hai bị can Trầm Bê (trái) và Phan Huy Khang. (Ảnh do công an cung cấp)
Theo điều tra, tháng 9-2013, VNCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên Phạm Công Danh đề nghị lãnh đạo BIDV giải quyết cho doanh nghiệp thân quen vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Danh nói nếu khách hàng không đủ tài sản bảo đảm thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố thế chấp bảo đảm khoản vay. Lúc này, Phạm Công Danh không cho BIDV biết sẽ sử dụng vốn vay vào mục đích tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng.
Theo điều tra, ông Danh đã lập khống các phương án vay vốn hợp đồng mua bán vật liệu đầu vào, đầu ra để nộp cho Hội sở BIDV và chi nhánh BIDV trực tiếp cho vay. Ngoài dùng tài sản bảo đảm là 6 lô đất tại sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng), ông Danh còn sử dụng hơn 3.000 tỉ đồng của VNCB gửi tại BIDV để bảo lãnh nên được BIDV cho vay 4.700 tỉ đồng.
Thuê nhân viên, bảo vệ đứng tên
Trước đó, Phạm Công Danh thuê nhân viên, bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh và họ hàng đứng tên người đại diện pháp nhân của 12 công ty lập hồ sơ vay vốn. Thực chất, các công ty này không có hoạt động kinh doanh.
Sau khi lập hồ sơ, giám đốc đứng tên 12 công ty đề nghị BIDV cho vay vốn với mục đích bổ sung vốn kinh doanh thu mua nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án theo mô hình 4 gói nhà với số tiền từ 320- 460 tỉ đồng/công ty.
Tháng 10-2013, BIDV Chi nhánh Gia Định nhận được công văn của Hội sở BIDV về việc chấp thuận chủ trương cho vay vật liệu xây dựng theo mô hình 4 gói nhà. Giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định giao cho phòng khách hàng 1 của chi nhánh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ của khách hàng và làm các thủ tục cho vay.
Bị can Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên Trưởng Phòng Khách hàng 1 BIDV) đã giao cho 3 cán bộ thụ lý hồ sơ vay của các công ty. Số cán bộ này đã lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, lập báo cáo đề xuất tín dụng trình bày xin ý kiến cấp trên. Phê duyệt các hồ sơ này, ông Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định) đã ký hợp đồng tín dụng cho 3 công ty vay 1.170 tỉ đồng.
Ngày 31-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can Trầm Bê và 24 người khác trong vụ án xảy ra tại 4 NH nói trên. Cơ quan chức năng xác định Trầm Bê và đồng phạm gây thiệt hại khoảng 6.630 tỉ đồng. Một phần tài sản trên được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
Ngay sau khi danh sách 25 người bị khởi tố được công bố, ngày 11-8, một lãnh đạo BIDV cho hay các ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Vũ Bảo (nguyên cán bộ Phòng Khách hàng BIDV Chi nhánh Gia Định) hiện không còn làm việc tại BIDV Chi nhánh Gia Định mà được chuyển công tác đến một đơn vị khác trực thuộc hệ thống BIDV. BIDV chưa đưa ra thông tin nào liên quan đến việc cán bộ của mình là bị can của vụ án liên quan đến ông Phạm Công Danh.
Trong khi đó, một lãnh đạo NH Tiên Phong (TP Bank) nói bà Đặng Bích Thủy (nguyên Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp), ông Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TP Bank), ông Đỗ Việt Vui (nguyên Trưởng nhóm Khách hàng doanh nghiệp 1 TP Bank) đã nghỉ việc từ nhiều năm trước và không rõ 3 người này hiện công tác ở đâu.
Danh sách 25 người bị khởi tố 1. Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank. 2. Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc (TGĐ) Sacombank. 3. Đặng Bích Thủy, nguyên Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TP Bank. 4. Đinh Việt Cường, nguyên Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp TP Bank. 5. Đỗ Việt Vui, nguyên Trưởng nhóm Khách hàng doanh nghiệp 1 TP Bank. 6. Hoàng Long Hà, nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định. 7. Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Trưởng Phòng Khách hàng 1 BIDV Chi nhánh Gia Định. 8. Nguyễn Vũ Bảo, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng BIDV Chi nhánh Gia Định. 9. Vũ Viết Minh Quân, nguyên Giám đốc Công ty (CT) Long Khánh. 10. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Giám đốc CT Thịnh Phát. 11. Phạm Hoài Thanh, nguyên Giám đốc CT Thạch Hà. 12. Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc CT An Phát. 13. Hà Văn Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT CT Đại phát Việt Nam. 14. Đỗ Phương Nam, nguyên Phó Giám đốc CT Đại Phát Việt Nam. 15. Nguyễn Thế Linh, nguyên TGĐ CT Thuận Phát. 16. Lê Duy Thọ, nguyên Giám đốc CT Kỳ Nam. 17. Ông Khắc Chung, nguyên Giám đốc CT Khánh Chi. 18. Trần Quang Huy, nguyên Giám đốc CT Toàn Phát. 19. Đỗ Minh Thủy, nguyên Giám đốc CT Đức Long. 20. Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Giám đốc CT Thịnh Quốc. 21. Nguyễn Ngọc Thái, nguyên Giám đốc CT Quốc Thắng. 22. Lê Văn Tuân, nguyên Giám đốc CT Thiên Trang Phạm. 23. Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc CT Hương Việt. 24. Nguyễn Việt Hà, nguyên TGĐ Quỹ Lộc Việt. 25. Nguyễn Thị Cẩm Vân, nguyên nhân viên CT Quỹ Lộc Việt. |
Ông Trầm Bê bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng. Hiện cơ quan công an đang khám xét nhà ông này ở TP.HCM.