Nhà giá 150 triệu ở Hà Nội: Doanh nghiệp chờ "cơ chế đặc thù"
- Thứ năm - 25/05/2017 12:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bài toán khó
Ngay sau khi thông tin về việc thành phố Hà Nội sẽ triển khai mô hình nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động đã rất phấn khởi đón nhận. Cụ thể, lãnh đạo thành phố cho biết, chung cư sẽ có diện tích 30 -50 m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m2, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ đi kèm có nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân.
Kế hoạch về nhà ở xã hội dành cho công nhân nghèo với giá từ 100-150 triệu đã được nhắc đến từ lâu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về việc hiện thực hóa giấc mơ nhà ở giá rẻ.
Đại diện một Cty xây dựng có tiếng tại Hà Nội nhận định, Hà Nội khó có thể xây dựng được những khu nhà cho công nhân Thủ đô với mức giá thấp như các địa phương khác. Bởi hiện nay, vướng mắc lớn nhất của Hà Nội là chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn.
Nhà ở cho công nhân được xây dựng tại KCN Thăng Long.
“Giá xây dựng, vật tư, nhân công theo đơn giá nhà nước cũng rất cao sẽ khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên cao”, đại diện Cty nói. Theo vị này, để giảm giá bán thì cần tác động vào mọi yếu tố trong cơ cấu giá thành, quan trọng nhất là chi phí đất đai. Bên cạnh đó, sau vài năm thực hiện dự án thì các chi phí cũng đã tăng lên đáng kể. Việc đảm bảo chất lượng công trình, tuổi thọ công trình cũng là một bài toán khó.
Ông Phạm Hồng Hiệp, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) thì cho rằng, bài toán chất lượng công trình có thể đảm bảo khi diện tích đất rộng. Với nguồn đất đủ rộng, chủ đầu tư có thể xây chung cư thấp tầng (5 – 6 tầng trở xuống) với kết cấu móng đơn giản, độ ổn định cao. Một phòng diện tích khoảng 25m2 với trang thiết bị cơ bản thì có khả năng làm được. Quan trọng là nhà nước cần hỗ trợ tiền thuê đất, chi phí giải phóng mặt bằng, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố nên chọn những đơn vị có thế mạnh về vật liệu, về thiết kế… qua đó, họ có thể đưa sản phẩm của mình vào, từ đó giảm giá thành căn hộ.
Doanh nghiệp chờ cơ chế đặc thù
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, chỉ cần có quỹ đất sạch và cơ chế đặc thù của thành phố, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân.
Theo ông Thanh, để làm nhà ở giá rẻ phải hội tụ 2 yếu tố: Đầu tiên là quỹ đất sạch để có thể triển khai ngay dự án. Thứ hai là kết cấu hạ tầng, những tòa nhà có kết cấu hợp lý phù hợp với công nhân, lựa chọn ra quy hoạch chuẩn triển khai đồng bộ để cắt giảm phí quy hoạch - kiến trúc. Đất Hà Nội chỉ đắt ở khu vực trung tâm, những khu vực ngoại thành có các KCN giá đất chỉ khoảng dưới 10 triệu đồng/m2, do đó hoàn toàn có thể tạo quỹ đất sạch để xây đồng bộ các toà nhà cao 8 – 10 tầng với giá bán 3, 5 - 5 triệu đồng/m2.
Mặt khác, cần điều tiết chính sách của Nhà nước về quyền sử dụng đất, xem xét khung giá ưu đãi, đưa ra cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Nếu nhà xây theo hình thức cho thuê, cần miễn giảm quyền sử dụng đất, miễn cấp phép xây dựng… nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính. Thực hiện được những điều kiện trên, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Trước đó, khi nhận được đề nghị thành phố hỗ trợ để người lao động tiếp cận được với nhà ở giá rẻ hoặc các dự án nhà ở xã hội khác, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin, lãnh đạo thành phố đã làm việc với Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam và đơn vị này hứa dành khoảng 700 tỷ đồng cùng thành phố xây dựng nhà ở cho công nhân.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết thêm, Tổng LĐLĐ đã liên hệ với các địa phương dành đất sạch cho công đoàn xây nhà ở cho công nhân. Mô hình triển khai là tỉnh, thành phố có đất sạch, Tổng LĐLĐ sẽ xây dựng chung cư với diện tích 30-50 m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m2, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ đi kèm có nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân.