Người Sài Gòn soi thịt heo sạch bằng smartphone từ 10-12
- Thứ tư - 26/10/2016 22:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 26-10, Ban đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo TP HCM gồm Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thú y và Hội Công nghệ cao đã tổ chức công bố Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Sau 2 tháng tích cực chuẩn bị, đề án nhận được nhiều sự quan tâm tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN), thương nhân… so với mục tiêu ban đầu. Đã có 15 DN, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ cho thị trường TP HCM, trong đó có nhiều đơn vị có thương hiệu với quy mô lớn và quy trình sản xuất hiện đại, khép kín như Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, tập đoàn Masan, Công ty Anh Hoàng Thy, Công ty Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Trại Việt…
Có 11 cơ sở giết mổ, gồm: 2 cơ sở trên địa bàn TP HCM là An Hạ và Vissa có khả năng giết mổ từ 4.000 – 5.000 con/ngày (chiếm hơn 50% lượng heo tiêu thụ mỗi ngày tại TP HCM); 3 cơ sở giết mổ tại Đồng Nai với khả năng giết mổ 800-1.000 con/ngày; 5 cơ sở giết mổ ở Long An với năng lực giết mổ 2.000 – 2.500 con/ngày; 1 cơ sở tại Bình Dương giết mổ 200-300 con/ngày đăng ký tham gia chương trình.
Người tiêu dùng ở TP HCM sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc thịt bằng điện thoại tại điểm bán. Ảnh: TL
Hai chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn cũng đăng ký tham gia chương trình, trong đó 100% thương nhân kinh doanh heo mảnh và heo pha lóc tại chợ Hóc Môn đăng ký tham gia. Gần 100% tiểu thương ở 4 chợ lẻ là Bến Thành, An Đông Hòa Bình, Thái Bình đăng ký tham gia. Ngoài ra, chợ Tân Định và chợ Đa Kao cũng tham gia chương trình. Hệ thống siêu thị Co.opmart, BigC, Aeon, Satramart và hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.opfood, Satrafood, Sagrifood, Vissan và 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm CP cũng tham gia bán thịt heo được truy xuất nguồn gốc.
Theo đề án này, từ ngày 10-12, TP sẽ thí điểm quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các siêu thị và 4 chợ lẻ trên địa bàn TP và chính thức triển khai trên toàn TP từ ngày 1-3-2017.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết trong giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị và chợ lẻ. Giai đoạn 2 sẽ tiển khai theo chu trình khép kín hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo từ khi mới sinh đến người tiêu dùng.
Giai đoạn 2, dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2017 và sẽ nhân rộng quản lý đến các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả và sản phẩm khác. “Đề án này làm tiền đề để hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của cơ quan nhà nước; giúp người tiêu dùng TP yên tâm hơn trong việc tiêu thụ thực phẩm” - ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, khi heo xuất chuồng thì chủ trang trại sẽ đeo 2 vòng nhận diện nguồn gốc vào chân heo, kích hoạt vòng để theo dõi từ trang trại. Sau đó, heo được đưa về lò giết mổ, xẻ thịt, mỗi mảnh heo bên sẽ mang 1 vòng nhận diện, từ đó đưa về chợ đầu mối, hệ thống siêu thị bán lẻ và các chợ.
Tại chợ, tiểu thương sẽ kích hoạt tem nhận diện có mã số tương ứng với từng mảnh heo, mỗi miếng thịt bán cho người tiêu dùng được dán tem nhận diện; người tiêu dùng có thể dùng smartphone (điện thoại thông minh) kiểm tra các thông tin liên quan đến các quy trì từ trang trại đến quầy bán lẻ ở siêu thị/chợ, bao gồm cả tên trang trại/lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, nhập vào quầy sạp nào…
“Hai chợ đầu mối và các hệ thống bán lẻ hiện đại đã chiếm hơn 90% thị phần thịt heo tại TP HCM. Nếu trong giai đoạn thử nghiệm, các chợ thực hiện tốt thì sẽ triển khai sớm việc nhận diện ở chợ lẻ, không đợi đến thời điểm 1-3-2017” – ông Hòa nói.