Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


"Ngủ quên" trong chiến thắng, thanh long Việt mất thế độc tôn

"Ngủ quên" trong chiến thắng, thanh long Việt mất thế độc tôn
Báo cáo của Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn miền Nam (Ipsard) về thương mại ngành rau quả Việt Nam năm 2016 và dự báo năm 2017 cho thấy, rau quả đang là mặt hàng chiếm ưu thế trong xuất khẩu của khu vực Asean cũng như Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng nhất đối với rau quả Việt.

Trái thanh long của Việt Nam đã được xuất khẩu tươi đi nhiều thị trường, trong đó chủ lực là Trung Quốc. Ảnh minh hoạ. 

Trong khuôn khổ Hội nghị Triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam do Ipsard phối hợp Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 24.5, ông Nigel Smith – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fine Fruit Asia nhận định, trái cây đang là mặt hàng chiếm ưu thế trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, điều hạn chế là rau quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào sản phẩm xuất khẩu hàng đầu là thanh long và thị trường Trung Quốc.

“Ngành rau quả Việt Nam đang phát triển rất nhanh, song đang gặp nhiều thách thức. Đó là bị phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu một sản phẩm chính (ở đây là thanh long) và hạn chế phát triển các sản phẩm khác; Trung Quốc thống trị cầu xuất khẩu của thanh long Việt Nam (chiếm tới 91%) nhưng đây là thị trường cực kỳ bất ổn, trong khi đó, thị trường trong nước vẫn phân tán, rời rạc… Những điều này cho thấy mối quan hệ không ổn định giữa nhà sản xuất và xuất khẩu, với những rủi ro khó dự báo” – ông Smith nói.

Phân tích kỹ hơn về mặt hàng thanh long nói riêng và thị trường Trung Quốc nói chung, ông Nguyễn Đức Lộc – quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (Ipsard) cho biết, chúng ta cũng có định hướng, chiến lược cho nhóm thị trường Trung Quốc cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, song rõ ràng việc thâm nhập các thị trường này là một thách thức lớn không chỉ với rau quả, mà đối với rất nhiều mặt hàng khác.

“Đặc biệt là với thị trường Trung Quốc, chúng ta gần như không nắm được đối tượng thu mua cụ thể là ai. Thường chúng ta bán nông sản qua trung gian của Trung Quốc, sau đó phía Trung Quốc lại qua trung gian khác mới đến khâu phân phối, vì vậy quan hệ thương mại nông sản của ta với Trung Quốc không bền vững. Rõ ràng để hạn chế điều này, cần phải có liên doanh liên kết với thị trường Trung Quốc để đảm bảo nông sản xuất khẩu an toàn, hiệu quả” – ông Lộc nói.

Ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, đối với nhóm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, phần lớn sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào đây đều được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là xoài. Tuy nhiên lượng xuất khẩu còn ít do yêu cầu về chất lượng sản phẩm tại cá thị trường này rất cao.

Ông Smith cho biết thêm, đối với Trung Quốc có 3 tiểu thị trường lớn là Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, tuy nhiên ở cả 3 thị trường này, chúng ta vẫn chưa xây dựng được quan hệ thương mại đáng tin cậy với họ, do chưa tiếp cận được với người phân phối nông sản trực tiếp tại thị trường Trung Quốc mà đều phải qua trung gian.

“Riêng với mặt hàng thanh long, gần đây diện tích trồng thanh long tại Việt Nam đã phát triển rất mạnh và không có kiểm soát. Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ lớn thanh long của Việt Nam, nhưng đây là thị trường rất khó dự báo. Trước đây mọi người chỉ có thể ăn thanh long vào mùa khô, nhưng giờ đây ở đâu cũng có thể trồng được thanh long và trồng được quanh năm, vậy thì thị trường như thế nào? Ít nhất là trong năm nay, Trung Quốc không mua xoài nữa, giá nhập khẩu xoài cũng đã giảm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồngkg, do họ trồng được xoài ở trong nước. Tương tự như thế, với mặt hàng thanh long nhiều nơi ở Trung Quốc cũng đã trồng được” – ông Smith thông tin.

Mặc dù diện tích thanh long đã vượt quy hoạch, song tại nhiều địa phương nông dân vẫn trồng tự phát loại trái cây này. Ảnh minh hoạ

Được biết, từ năm 2012, ngay sau khi trồng thử nghiệm thành công, Trung Quốc đã cho triển khai trồng đại trà cây thanh long với quy mô khoảng 20.000ha ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, gần bằng với diện tích trồng thanh long hiện nay của Việt Nam.

“Sự tự túc về thanh long đối với Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong khi chúng ta hàng chục năm nay đã quen lệ thuộc vào thị trường này, ngủ quên trong chiến thắng, sự đầu tư mở rộng sang các thị trường khác còn rất ít nên thanh long Việt Nam có thể sẽ thật sự gặp nhiều khó khăn trong vài năm tới” – TS. Lương Ngọc Trung Lập (Viện Cây ăn quả miền Nam) cảnh báo.

Không chỉ Trung Quốc, hiện nhiều nước khác như Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã bắt đầu trồng thanh long khiến thanh long Việt Nam không còn chiếm vị trí độc tôn trên thị trường xuất khẩu thế giới nữa.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây