Mỹ không tham gia TPP, tác động ra sao tới Việt Nam?
- Thứ năm - 24/11/2016 16:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo giới đã đặt câu hỏi liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi các phát ngôn gần đây của ông Donald Trump, Tổng thống đắc cử của Mỹ, cho thấy có khả năng Mỹ không thông qua TPP. Về vấn đề này, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Hiện nay, ông Trump chưa chính thức nhậm chức tổng thống, quan điểm của ông ấy về TPP mới chỉ là ban đầu trong vận động bầu cử. Nếu Mỹ không thông qua TPP thì các nước khác cũng sẽ ngồi lại. Hiện tại chưa nói được gì về vấn đề này. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, tham dự TPP là rất tốt”.
Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Thái (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao.
. Phóng viên: Mới đây ông Trump, Tổng thống đắc cử của Mỹ, đã tái khẳng định quan điểm rút khỏi TPP, điều này ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
[Mỹ không tham gia TPP, tác động ra sao tới Việt Nam? - ảnh 1]
+ Ông Trần Việt Thái: TPP có thể chết lâm sàng nhưng dòng chảy của thương mại tự do không vì thế mà dừng lại. Trong quan hệ thương mại với Mỹ, ta chỉ chưa mở rộng được thêm thị trường. Trong quan hệ với các nước khác thì ta đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và đang tiếp tục đàm phán các hiệp định khác nữa và đây đang, sẽ là các không gian phát triển mới.
Mỗi sự kiện xảy ra luôn có hai mặt thuận, nghịch. Thuận ở đây là việc TPP dừng lại giúp ta có thêm thời gian để chuẩn bị. TPP chỉ là một phần trong chiến lược hội nhập quốc tế. Qua việc đàm phán, ta thấy rõ những điểm yếu mình cần cải cách, rõ hơn con đường phía trước. Dự kiến hơn 10 luật phải sửa, vậy thì có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, sửa đổi thấu đáo… Một điều rất quan trọng nữa là TPP đã hoàn tất đàm phán thì tự nó đã định hình các chuẩn mực mới của thương mại quốc tế. Là một bên tham gia trực tiếp, ta hiểu được rõ hơn cơ hội, thách thức của hội nhập quốc tế, của cuộc chơi toàn cầu.
Về tiêu cực, đầu tiên là ta đã đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực cho TPP mà lợi ích chưa được như mong muốn. Dự kiến ban đầu là 24 tháng sau khi kết thúc đàm phán, các nước rà soát pháp lý, tiến hành các thủ tục phê chuẩn, để năm 2018 thì TPP đi vào thi hành. Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đều tính tới hiệu ứng TPP. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có kế hoạch, thậm chí đã đầu tư vào Việt Nam để đón làn sóng thương mại mới vào năm 2018… Tất cả giờ phải tính lại, phải điều chỉnh, từ cấp độ vĩ mô, vi mô tới doanh nghiệp.
Ngoài ra, TPP chững lại thì động lực thúc đẩy, sức ép cải cách sẽ yếu đi, có thể làm chậm phần nào nhịp độ cải cách.
. Hội nghị Trung ương 4 của Đảng đã thảo luận, ban hành một nghị quyết riêng về hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông, những dự liệu của ta đã phù hợp với chuyển biến mới?
+ Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Việc trung ương ban hành một nghị quyết riêng về hội nhập kinh tế quốc tế chính là khẳng định mang tính chiến lược ấy.
Đọc kỹ nghị quyết sẽ thấy trung ương đã lường trước, nhận diện cả những thách thức mà đất nước phải đối mặt trong quá trình hội nhập, bao gồm cả những yếu tố như triển khai nhanh, chậm các hiệp định thương mại tự do.
Các FTA chỉ là công cụ để chúng ta thực hiện chiến lược ấy. TPP chỉ là một trong nhiều FTA mà ta đã, đang và sẽ đàm phán tham gia. TPP chững lại sẽ tác động tiêu cực ở mức độ nhất định nhưng không làm lệch con tàu Việt Nam khỏi đường ray hội nhập quốc tế.
. Xin cám ơn ông.