Mùa thu hoạch trái cây và điệp khúc: trồng - chặt - trồng...
- Thứ ba - 20/06/2017 01:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ai lên phương Bắc...
Nhiều năm qua, cây vải thiều được ví như “vàng” trên đất; cây xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu ở Lục Ngạn, (Bắc Giang). Đã có năm, quả vải cùng trái vú sữa, thanh long Nam Bộ sang đất Mỹ, trời Âu. Tưởng rằng sẽ bền vững, thế nên, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020, sẽ ổn định 28.000 – 30.000ha vải thiều. Thời kỳ đỉnh cao, huyện Lục Ngạn có khoảng 22.000ha vải, thì nay đã có hơn 6.000ha bị chặt bỏ. Người làm vườn vùng “kinh đô vải” xót xa cưa, chặt..., dòng nhựa cây chảy, rơi như nước mắt người trồng.
Ông Trần Văn Chung (phải) giới thiệu về sản phẩm xoài trái vụ của gia đình trồng ở vùng sỏi đá tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Ảnh: K.N.Q.N
Từng là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, Chủ tịch Hội Sản xuất và tiêu thụ vải, ông Liễu Xuân Hòa khá giỏi và rành rọt với vườn, nhưng vụ này, vườn vải nhà ông cũng như nhiều hộ khác ở xã Thanh Hải chỉ lác đác ra hoa, nên nhiều người phải chặt bỏ. Ven đường liên xã, liên thôn, những đống củi vải chất cao, những khu vườn bị đào bới, những gốc, cành vải xỉa lên trời, như chờ câu trả lời bao giờ thì thôi chặt chém, bao giờ mới có thị trường?
Có về miền Trung
Vào hè, miền Trung nắng đổ lửa, cây lá xác xơ trong gió nóng. Giữa vùng sỏi đá ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam), trang trại của ông Trần Văn Chung vẫn xanh mướt, từng dãy cây trái giống Nam Bộ nối nhau chạy dài trên sườn dốc. Ông Chung cho biết, đất này bạc màu, trước chỉ trồng cây keo, sắn và mía… Một dịp vào Bến Tre, thấy những vườn cây trái 4 mùa, ông xin ở lại nhà người bạn để học cách trồng cây ăn trái và chăm sóc. Tròn 1 vụ, ông Chung mới trở về, mang theo 3.000 cây xoài ghép tứ quý Thái Lan. Những tưởng có người động viên, nhưng chỉ thấy tiếng ra, tiếng vào, cho ông là “khùng” vì cả gan trồng cây không ăn nhằm gì với thời tiết.
4 năm đổ mồ hôi, công sức trên từng gốc cây trồng, vườn xoài, cam, chanh, chôm chôm… của ông Chung đã ra quả đầu mùa theo ý muốn: Cây ra hoa tháng 3, thu hoạch tháng 7. Sau mỗi lần thu hái ấy, ông bấm cành cho cây ngủ đến hết tháng Giêng. Khi cây xoài ra lộc thì ông cắt tỉa lá, phun thuốc kích hoa và tháng 7 lại thu hoạch xoài trái vụ.
Mỗi năm, ông Chung bán ngược vào thị trường Nam Bộ gần 100 tấn xoài, hơn trăm tấn hoa trái khác, thu về trên 1 tỷ đồng. “Việc đưa trái cây ở Quảng Nam vào Nam tiêu thụ – nói ra không ai tin, có người cho là nghịch lý. Nhưng quả trái vụ, bán được giá rất cao, hầu như năm nào cũng hết”- ông Chung khoát tay như vẽ lại 10 năm làm vườn gian khó, nhưng trọn niềm vui khi tình đất, tình cây, tình người được kết từ mồ hôi, nước mắt nên được mùa, được giá. Ông cho rằng, làm vườn mà muốn giàu thì phải biết đất, biết cây, biết mưa nắng, rồi phải học và sống chung với nó như người.
Cần đồng tâm, hợp sức
Trồng rồi chặt – một điệp khúc buồn của người làm vườn từ Bắc chí Nam. Tiếng là nông nghiệp nhiệt đới, quả ngọt, trái lành… mà sao trái cây Việt Nam vẫn “bì bõm” ngược dòng đi tìm điểm bán. Xuất khẩu tăng thì nhập khẩu cũng tăng, khi Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017 đã chi 62 tỷ đồng mỗi ngày để nhập khẩu rau, củ, trái cây. Vậy, con số xuất khẩu kia cũng chưa hẳn là vui – cái nghĩ nằm lòng của người dân là ở đấy! Câu hỏi nằm lòng của nhà vườn cũng là ở đấy! Và ai dám chắc rằng, sẽ không có “giải cứu” quả cam, trái bưởi những năm sau? Đến cả những người Bắc Giang cũng lo khi trồng cam, bưởi trên chính đồi vườn mà họ trồng cây vải đã ăn đời, ở kiếp với nhà nông.
Phải có thông tin thị trường, có quy hoạch, có tổ chức lại sản xuất, có xác lập quy trình và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Tất cả đã làm, nhưng vì sao không đến đích? Lời giải đang nằm bên trong của ngành nông nghiệp, của chất lượng “liên kết 4 nhà” còn hình thức, phong trào và tư duy số lượng.
Phải chăng, cần quy hoạch vùng cây trái tập trung, bởi trái cây Việt Nam ngon nhưng phải có vùng chuyên canh rộng hàng ngàn ha, để kiểm soát đầu vào, ứng dụng khoa học kỹ thuật..., mới đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu. Việc quy hoạch đầu ra cho trái cây cũng không thể là tất cả, mà cần ưu tiên cho trái cây đặc sản, chất lượng cao, hướng vào xuất khẩu để dẫn dắt dòng nông sản vùng miền… được dựa trên đầu ra của công nghiệp chế biến và doanh nghiệp, doanh nhân đủ tầm.
Trong “liên kết 4 nhà”, thì đầu tiên phải là Nhà nước đứng ra chủ trì, hai là nhà chế biến, kinh doanh - hai nhà đó quyết định rồi mới đến nhà khoa học, nhà làm vườn. Chỉ khi “4 nhà” đồng tâm, hợp sức cùng nhau thì khi ấy đồng vườn mới đủ rộng, cây mới đủ xanh, hoa trái mới ngon ngọt, thơm lành... Vườn xanh mới thành tiếng hát.