Khó dẹp lò giết mổ thủ công dù đã "quyết tâm" hơn 10 năm
- Thứ hai - 24/07/2017 12:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của TP HCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tất cả cơ sở giết mổ hiện hữu phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2017, trừ 2 cơ sở tại huyện Cần Giờ cung cấp sản phẩm cho người dân địa phương. Theo đó, toàn bộ hoạt động giết mổ heo sẽ được đưa vào 6 nhà máy quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, với tổng công suất giết mổ 10.000-15.000 con/ngày.
Chưa có nhà máy hiện đại
Cuối năm 2015, TP HCM có 21 cơ sở giết mổ có giấy phép hoạt động. Đến nay, chỉ còn 12 cơ sở đang hoạt động, trong đó 11 cơ sở giết mổ heo với sản lượng khoảng 8.000 con/ngày, cung cấp sản phẩm động vật đã qua kiểm soát của cơ quan thú y cho người tiêu dùng nhưng chưa có nhà máy giết mổ công nghiệp nào đi vào hoạt động.
Những cơ sở đang hoạt động trong tình trạng chờ di dời, đóng cửa nên thiếu sự đầu tư, nâng cấp. Do đó, theo nhận định từ cơ quan quản lý, hiện việc tuân thủ các quy định của các cơ sở giết mổ về giảm thiểu mùi hôi, tiếng ồn, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quản lý.
Trong đợt khủng hoảng thừa heo vừa qua, việc lò mổ không đạt chuẩn đã được nhắc đến như một điểm yếu của ngành chăn nuôi khiến cho bài toán tạm trữ gặp khó. Do lò mổ thủ công giết mổ trong nhiệt độ bình thường, chủ yếu bán thịt tươi hoặc chế biến ngay, nếu đưa vào cấp đông thời hạn sử dụng ngắn (khoảng 3-6 tháng), không được 1-2 năm như các nước tiên tiến.
TP HCM khó hoàn thành kế hoạch chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ thủ công vào cuối năm nay
Theo quy hoạch, 6 nhà máy giết mổ heo hiện đại của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn (công suất 2.000 con/ngày), HTX Tân Hiệp (công suất 2.000 con/ngày), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (công suất 2.000 con/ngày), Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (công suất 3.000 con/ngày), Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An (công suất 2.000 con/ngày), Công ty CP Nhị Tân (công suất 1.000 con/ngày) nhưng hầu hết khó hoàn thành vào cuối năm 2017. Trong đó có nhà máy vẫn chưa có quyết định đầu tư vì đang trong giai đoạn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Dự án của HTX Tân Hiệp thực hiện cách đây 10 năm nhưng mới cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý (Báo Người Lao Động đã phản ánh), đến nay lại bế tắc do không có đường vào nhà máy. Theo ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp, cam kết ban đầu thì đường vào nhà máy do ngân sách đầu tư nhưng nay vẫn chưa có trong quy hoạch, trong khi HTX không thể chi cả trăm tỉ đồng để làm con đường này.
Nguyên nhân nhà máy giết mổ của Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) tại Long An chậm tiến độ, theo bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc VISSAN, là do khi cổ phần hóa phải làm lại các thủ tục đầu tư. Vì vậy, thời gian hoàn thành phải kéo dài thêm 1 năm, đến cuối năm 2018 mới xong. Như vậy, đến đầu năm 2019 mới chuyển được hoạt động giết mổ của VISSAN từ nhà máy ở TP HCM về tỉnh Long An. Do nhà máy hiện hữu đã là quy mô công nghiệp nên VISSAN xin cơ quan chức năng được tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian chờ xây xong nhà máy mới, thay vì ngưng theo lộ trình.
Dự án được đánh giá khả thi nhất, có thể hoạt động vào cuối năm 2017 là của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn khi đang thẩm định dây chuyền giết mổ công nghiệp để lắp đặt thiết bị.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hóc Môn (chủ quản Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn), cho biết đã quá vất vả khi trải qua chặng đường 7 năm với tổng vốn bỏ ra khoảng 220 tỉ đồng cho dự án này. "Khó nhất là thủ tục hành chính khi để xây được nhà máy giết mổ, công ty phải hoàn thiện 44 hồ sơ pháp lý vô cùng phức tạp nên những dự án mới khởi động gần đây không thể nào xong trong vài tháng theo lộ trình" - ông Mỵ lý giải.
Nhiều bất lợi cho nhà máy công nghiệp
Theo ông Lê Văn Mỵ, nếu chỉ có một nhà máy công nghiệp đi vào hoạt động, trong khi các lò mổ thủ công vẫn duy trì thì cơ sở hiện đại sẽ không cạnh tranh được. Lý do là chi phí giết mổ gia công tại nhà máy hiện đại dự kiến đắt gấp đôi giá của lò mổ thủ công. Đó là chưa kể thịt mổ theo quy trình công nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng về cảm quan lại không hợp thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.
Ông Văn Đức Mười, chuyên gia ngành chăn nuôi, đánh giá lộ trình chuyển đổi từ giết mổ thủ công sang công nghiệp như kế hoạch là không khả thi do thủ tục nhiêu khê và thiếu giải pháp đồng bộ. "Để chuyển sang giết mổ công nghiệp phải gắn với quy hoạch chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh và đi vào hoạt động đồng loạt. Nếu lấy mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm lên hàng đầu thì không thể để giết mổ thủ công cùng tồn tại mà phải có phương án chuyển nghề cho người làm công ở đây và những người bán thịt nhỏ lẻ. Đây không phải lần đầu TP HCM đưa ra "tối hậu thư" chấm dứt giết mổ thủ công. Lần đầu, lộ trình đưa ra là các cơ sở giết mổ thủ công chỉ được hoạt động tạm thời đến cuối năm 2006 trong quy hoạch năm 2005, sau đó dời đến cuối năm 2013. Lúc làm tổng giám đốc VISSAN, tôi buộc phải chọn cách nhận khuyết điểm chậm tiến độ xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hơn là cố làm đúng tiến độ nhưng sẽ lãnh khuyết điểm lớn hơn là bị lỗ" - ông Mười nói.
Lo heo chuyển về tỉnh giết mổ Dù hiện trạng giết mổ của TP HCM còn nhiều hạn chế nhưng so với các tỉnh thì việc tổ chức kiểm soát của TP vẫn chặt chẽ hơn. Đó là nhận xét mới đây của đoàn đại biểu Quốc hội sau khi tổ chức giám sát diện rộng tình hình thực thi an toàn thực phẩm của cả nước năm 2016. Theo nhận định của nhiều người, khi TP HCM siết chặt quản lý, thương lái chuyển heo về giết mổ ở các tỉnh giáp ranh rồi mang đến TP tiêu thụ, gây khó khăn cho việc kiểm soát. Trong khi ở các tỉnh, ngoài những điểm giết mổ hợp pháp, vẫn có tình trạng mổ lậu mất vệ sinh, là nơi "hóa kiếp" của nhiều heo bệnh, chứa chất cấm, thuốc mê… |