Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Hên, xui hoa trái miệt vườn

Hên, xui hoa trái miệt vườn
Còn khoảng 2 tháng nữa bắt đầu đến Tết Nguyên đán 2017, các làng nghề trồng hoa kiểng, trái cây phục vụ tết đã hối hả vào mùa. Năm nay, nếu người trồng hoa kiểng lao đao vì thời tiết, thì ngược lại, những nhà vườn trồng các loại trái cây “độc, lạ” lại được mùa.

Bài 1: Thấp thỏm ở làng hoa miền Tây

Các làng hoa nổi tiếng miền Tây như làng hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang),… đang hối hả bước vào vụ Tết. Việc nhiều, bận rộn là vậy nhưng hỏi ai cũng than ngắn thở dài khi năm nay ông trời chẳng “thương” cho họ một mùa hoa Tết như ý.

Lão nông Lê Thành Chiến chăm sóc vườn hoa mười giờ phục vụ Tết. Ảnh: Việt Văn

Nắng mưa là chuyện của trời

Từ thành phố Bến Tre, chúng tôi chạy dọc theo tuyến QL57 để đến “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn ở huyện Chợ Lách, rồi phải tiếp tục ngược lên QL80 về làng hoa Sa Đéc ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp để chứng kiến cảnh hai bên đường, nhà nhà hối hả cho vụ mùa sản xuất hoa kiểng đón Tết.

Những ngày này ở các làng hoa, hôm nào cũng có mưa khiến cho hàng trăm nhà vườn chuẩn bị bón phân, xịt thuốc,…đứng ngồi không yên. Các cụ ông cụ bà, trẻ nhỏ đưa phân rơm vào chậu, nhổ cỏ cho hoa cũng lo lắng “mưa ướt quá khó làm”. Ở làng hoa Sa Đéc, hoa cúc được xem là loại hoa đặc trưng nhưng năm nay, hầu hết người trồng hoa khẳng định cúc mâm xôi, cúc Đài Loan,…sẽ mất mùa bởi, ông trời “trái tính trái nết”, mưa triền miên.

“Trước đây ở tỉnh cũng đã thí điểm cho người dân mua bảo hiểm trên lúa nhưng cũng không thành công lắm. Còn lĩnh vực hoa kiểng thì chưa có, ở địa phương sẽ nghiên cứu đề án trong thời gian sắp tới để người dân được tiếp cận mua bảo hiểm nông nghiệp”. 

Ông Lê Văn Tâm, 
Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp

Lão nông Nguyễn Nhật Trường (46 tuổi, phường Tân Qui Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cùng vợ đẩy xe chở bao phân rơm vào vườn, rít điếu thuốc một hơi dài rồi tâm sự: “Năm nay, tui canh xuống giống như các năm trước đã làm nhưng xem ra chẳng ăn thua. Trời có lúc nắng chảy mỡ, lúc mưa dầm dề, cũng chẳng thấy không khí lạnh lẽo gì”. Theo ông Trường, hoa cúc là loại ưa không khí se lạnh, trời nắng chứ không hợp kiểu nắng mưa thất thường như lâu nay.  Thời tiết xấu, vườn hoa cúc nhà ông có hơn 1.000 gốc thì bị úng vài trăm, một số thì “câm điếc” coi như chẳng ra bông, ra hoa gì đón Tết. Nhiều hộ trồng hoa cúc ở làng này cũng gặp tình cảnh tương tự như ông Trường, ngậm ngùi nhổ bỏ cây úng, cây “câm điếc”. “Năm rồi, cúc mâm xôi to chà bá, bông hoa nhìn đã mắt. Còn năm nay nhà nào hên cúc nở bông kịp tết là may lắm rồi”, ông Trường dự đoán.

Vườn cúc mâm xôi với gần 3.000 gốc ở nhà ông Nguyễn Văn Mẫu (62 tuổi, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cũng èo uột, số thì úng, số thì ra hoa bất thường. Ông Mẫu cho biết, đợt rồi vừa nhổ bỏ gần 30% gốc trong vườn. Giữa trưa nắng, ông Mẫu hì hục tưới nước cho số cúc mâm xôi còn lại. Mới tưới được vài hàng, mây đen vần vũ kéo đến từ phía xa, ông ngước nhìn lên rồi than ngắn thở dài: “Trời “trái tính trái nết”, hết hạn mặn xâm nhập hồi đầu năm, nay lại mưa, không biết đâu mà lường. Liên tục mấy bữa nay mưa dầm, nhìn cánh đồng cúc thấy xót”.

Lão nông Trần Văn Công chỉ những chậu hoa bị úng thân vì mưa.

Theo dự đoán của ông Mẫu, dịp Tết này chỉ chắc ăn được khoảng 60-70% số hoa. “Loại bông này chảnh lắm, chăm sóc rất khó. “Nắng không ưa, mưa không chịu”. Nắng quá thì chát bông, mưa quá thì cây úng cũng hư hết”, ông Mẫu chia sẻ.

Không chỉ hoa, kiểng lá bị ảnh hưởng bởi thời tiết mà theo nhiều hộ dân ở Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), một số loại cây kiểng trái cũng bị ảnh hưởng đợt xâm nhập mặn hồi đầu năm, khiến những cây này chậm lớn, không sai trái. Nhiều loại cây truyền thống phục vụ Tết như cây tắc kiểng, dừa kiểng, quýt kiểng,… đang gặp cảnh èo uột này.

Chấp nhận bỏ vườn tắc kiểng, ông Nguyễn Văn Thủ (41 tuổi, ngụ ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) quay sang chăm chút số hoa cúc thảo. Ông hy vọng vớt vát lại cái tết. Vẫn còn tiếc cho cả ngàn chậu tắc kiểng, ông Thủ kể lý do mất trắng: “Vừa rồi, tưới nước nhiễm mặn cho nó, rồi nó chậm lớn, ít ra trái”. Số nhân công thuê chăm sóc vườn, ông cũng cho nghỉ sớm. Vườn hoa cúc với mấy loại hoa kiểng các loại còn lại ít ỏi trong vườn, gia đình ông bỏ công ra chăm sóc để tiết kiệm chi phí thuê nhân công. 

“5 ăn 5 thua”

Theo người dân trồng hoa kiểng ở các làng hoa miền Tây năm nay, chính thời tiết bất thường đã ảnh hưởng lớn đến vụ mùa Tết Nguyên đán 2017. Nhưng dù thời tiết có thế nào thì họ và gia đình vẫn tiếp tục công việc trồng hoa kiểng, không thể dừng lại bởi đó là kế sinh nhai, là truyền thống của làng.

 “Cũng không ít người yêu cái nghề trồng hoa, trồng kiểng phục vụ thú vui của “thượng đế”. Họ chấp nhận 5 ăn, 5 thua với “ông trời” mà theo đuổi cái nghề nghiệp truyền thống gia đình”, vợ chồng nông dân Trần Văn Công (50 tuổi, ngụ ấp Cái Tắc, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) đúc kết sau 20 năm làm nghề.

Hai vợ chồng ông Công nhiều lần bỏ nghề, bỏ làng đi xứ khác làm ăn nhưng máu nghề ăn sâu quá, không dứt được mà về lại quê tiếp tục công việc truyền thống gia đình. “Năm nay hai vợ chồng tui xuống giống gần 1.000 chậu hoa hướng dương, cuối tháng 11/2016, một trận mưa dầm kéo dài liên tục 3 ngày khiến gần một nữa bị úng, héo queo. Số còn lại cũng liêu xiêu vì bộ rễ không phát triển được”, ông Công kể.

Gần 2 tháng nữa là Tết, vợ chồng ông chỉ còn kịp trồng những hoa ngắn ngày để bán. “Chữa cháy” bằng bông vạn thọ, ông Công xuống giống gần 2.000 chậu. Dù giá cả của loại bông này không cao, chỉ bán từ 10 - 15 nghìn đồng/chậu nhưng ông hy vọng cũng vớt vát lại được chút ít cho mùa Tết với người ta.

Người trồng cúc năm nay thấp thỏm lo lắng mất mùa dù dày công chăm sóc.

Chuyện vợ chồng ông Công ở Chợ Lách khiến chúng tôi nhớ lại cái cách vợ chồng lão nông Lê Thành Chiến (61 tuổi, ngụ khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) “né” trồng bông cúc. Lúc lên làng hoa Sa Đéc vào đầu tháng 12/2016, gặp vợ chồng ông Chiến ươm hoa mười giờ với cả nghìn chậu mà khỏe re, chẳng quan tâm gì đến chuyện “tính nết” ông trời. Số là ông cũng không chú trọng quá dịp Tết này bởi vườn nhà ông trồng toàn các loại hoa kiểng “lỡ”, nghĩa là phục vụ thị trường quanh năm. “Tết này có đợt thì bán kiếm ít tiền, lì xì con cháu vậy thôi”, ông Chiến vừa tưới nước vừa nói. Theo ông Chiến, mấy năm trước cũng ham trồng bông cúc do giá cao mà bán được. Nay thời tiết mỗi lúc mỗi khác, được mùa cũng hên xui may rủi nên thôi. Vợ chồng ông dành hết hai công vườn để trồng các loại hoa kiểng “lỡ”, nhẹ công chăm sóc như hoa mười giờ, cây lá bạc. “Bán quanh năm, giá thấp thật nhưng bù lại, hư hụt bởi thời tiết không nhiều nên mình lấy số lượng bù chất lượng”, lão nông Lê Thành Chiến cười hề hà.

Xót với việc người dân làng hoa bị ảnh hưởng bởi “tính nết” thất thường của ông trời, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) trăn trở khi mưa kéo dài làm cho độ ẩm cao, bộ rễ cây khó hấp thu dinh dưỡng, các mầm bệnh dễ phát sinh, nhất là các loại hoa như cúc mâm xôi rất dễ hư thối rễ, thân. 

Theo ông Liêm, toàn huyện Chợ Lách có hơn 5.500 hộ dân tham gia sản xuất kinh doanh hoa kiểng. Năm nay, diện tích sử dụng cho sản xuất cây nguyên liệu và thành phẩm là khoảng 600 ha, với sản lượng dự kiến khoảng 12 triệu sản phẩm các loại phục vụ tết, giảm hơn 1.5 triệu so với tết năm trước.

Trách ông trời là một chuyện, nhưng thực tế hiện nay theo đánh giá của TS Bùi Thanh Liêm, người dân trồng hoa chỉ mới dừng lại ở việc tự mày mò sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống gia đình, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thiếu căn cơ, có lúc phải trả giá đắt. “Cần phải nâng cao trình độ sản xuất, đầu tư nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân”, ông Liêm cho biết.

(Còn nữa)

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây