Hà Nội đã vượt qua nỗi ám ảnh “không vội được đâu”
- Thứ hai - 26/06/2017 10:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo tính chuyên nghiệp của chính quyền Thành phố
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 296 nghìn tỷ đồng, gấp 4,43 lần so với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Thành phố trong 2 năm 2016-2017 và gấp hơn 2 lần giai đoạn 2016-2020.
“Theo kết quả điều tra, năm 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh khá hiệu quả: 67% doanh nghiệp kinh doanh có lãi; 47% doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô kinh doanh”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung dẫn chứng.
Bên cạnh đó, Thành phố tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện 100% trên môi trường mạng như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Thành phố tập trung triển khai đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngay tại nhà.
Chủ tịch Hà Nội: Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của chính quyền Thành phố.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng chia sẻ, thời gian qua Hà Nội tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính của các sở ban ngành, trên cơ sở đó, cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%...
“Hà Nội tiếp tục khẳng định là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định, là điểm đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ưu tiên hàng đầu khi cân nhắc quyết định đầu tư. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền Thành phố”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Lĩnh vực đất đai của Hà Nội vẫn còn phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch phòng Công nghiệp thương mại VN – VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã "nhanh chân" hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đã vượt qua được nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu". Đó cũng chính là đánh giá của cộng đồng Doanh nghiệp dành cho thành phố qua xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa được công bố.
“Ngoài những chỉ tiêu chung về môi trường kinh doanh Hà Nội còn có những cải thiện rất mạnh mẽ trong những lĩnh vực cụ thể như áp dụng Chính phủ điện tử Hà Nội, ưu tiên các thủ tục hành chính kết nối tận tận xã phường, cụm dân cư…tôi nghĩ là điểm sáng mô hình đi đầu trong cả nước trong việc triển khai chủ trương Chính phủ điện tử”- ông Vũ Tiến Lộc nêu.
Ông Lộc cũng đánh giá, việc Hà Nội tiến hành sắp xếp lại hè phố cũng là một sáng kiến rất tốt, được dư luận hoan nghênh hay những hội nghị xúc tiến đầu tư không chỉ những hội nghị lớn như hôm nay mà còn tổ chức những hội nghị cụ thể hơn đi vào từng đối tượng triển khai rất có hiệu quả. VCCI vui mừng được sát cánh với Hà Nội khi “bây giờ đi đâu thì các nhà đầu tư kinh doanh của các nước cũng nhắc đến Hà Nội và mong muốn được đầu tư vào TP”.
Tuy vậy ông Lộc cũng thẳng thắn cho biết, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nhiều hơn vào Hà Nội khi bài ca “Hà Nội niềm tin và hy vọng” không chỉ là bài ca trong chiến tranh mà còn là niềm tin trong thời kỳ mới đối với Hà Nội. Và giới doanh nghiệp mong muốn Hà Nội không chỉ thân thiện, ngày càng hiện đại mà còn là một chính quyền thanh lịch.
“Đề nghị Hà Nội tiếp tục có những đột phá thay đổi quy trình, thủ tục đối với nhà đầu tư. Hiện nay nhà đầu tư tiếp cận và hoàn thành toàn bộ quy trình đầu tư nhất là lĩnh vực đất đai của Hà Nội vẫn còn phức tạp và mất nhiều thời gian. Họ vẫn còn gặp nhiều khúc mắc trong khi làm việc với các Sở ban ngành và các cấp. Hà Nội cần có quy trình thống nhất khoa học minh bạch hơn cần có một quy chế để có thể phản ứng kịp thời khi nhà đầu tư gặp khó khăn. Đây chính là một việc chúng tôi rất mong”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Về môi trường kinh doanh tốt, ông Lộc cho rằng, không chỉ là những thông điệp, mô hình hoành tráng mà “nhiều khi thể hiện ở những điều rất giản dị, cụ thể như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế dễ dàng. Theo đó, gia nhập thị trường doanh nghiệp ở Hà Nội vẫn khó khăn, chỉ số gia nhập thị trường vẫn xếp ở thứ hạng thấp, việc nộp thuế ở Hà Nội theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp còn phiền hà.
Về kết quả thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô năm 2016 và đến quý 2-2017, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt, mở đầu thành công cho kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020. Cụ thể, Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh với mức 8,2% năm 2016; thu ngân sách vượt 10,5% so với dự toán; khách du lịch quốc tế tăng 19,9%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư nước ngoài 3,11 tỷ USD (tăng gần 3 lần so với năm 2015). 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao với mức 7,37%; thu ngân sách tăng 18%, vốn đầu tư xã hội tăng 9,9%, khách du lịch quốc tế tăng 14%, xuất khẩu tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây với mức 12,1%, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 7,2%; số doanh nghiệp thành lập mới là 13.355 doanh nghiệp, tăng 16%. Thành phố tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh thành công. Thành phố tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. |