Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Gỡ thêm rào cản doanh nghiệp

Gỡ thêm rào cản doanh nghiệp
Việc Chính phủ đề xuất bãi bỏ thêm 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp xóa bỏ rào cản trong đầu tư, kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ đã đề xuất bãi bỏ 27 ngành nghề, bổ sung 15 ngành nghề và hợp nhất 29 ngành nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành nghề; đồng thời cập nhật, chuẩn hóa tên 18 ngành nghề.

Tạo thông thoáng cho môi trường đầu tư

Đề xuất của Chính phủ sẽ giúp tổng số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉ còn 226, giảm 41 so với quy định hiện hành. Chính phủ còn đề nghị luật có hiệu lực từ đầu năm 2017 để đáp ứng mục tiêu xóa bỏ ngay một số rào cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận xét việc bãi bỏ thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp xóa bỏ rào cản, chi phí gia nhập thị trường cho DN và tạo thông thoáng hơn cho môi trường kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật LNT & Partners, nhìn nhận việc Chính phủ đề xuất bãi bỏ thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là tín hiệu tốt cho DN, thể hiện quyết tâm thực hiện cam kết của Chính phủ là tạo điều kiện để DN phát triển. Dù vậy, DN vẫn kỳ vọng Chính phủ có thể bãi bỏ nhiều ngành nghề hơn nữa khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như tư vấn quản lý dự án, quản lý nghiệp vụ vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh trang thiết bị y tế…

Việc giảm bớt các ngành nghề không ảnh hưởng đến quy định chung về thủ tục theo Luật Đầu tư nhưng đề xuất này giúp gỡ bỏ thêm đáng kể rào cản đối với các ngành nghề kinh doanh trước đây bị xem là có điều kiện. Chẳng hạn, đối tác nước ngoài khi đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư trước khi góp vốn mua cổ phần của DN Việt. Đồng thời, thủ tục liên quan đến mua bán, sáp nhập (M&A) đối với các trường hợp này sẽ được rút ngắn đáng kể, giảm chi phí cho bên mua lẫn bên bán.

Tránh để doanh nghiệp bị động về chính sách

Về quy định tại điều 1 điểm 2 dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, ngành và nghề kinh doanh có điều kiện được định nghĩa là “ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và môi trường”, nhiều ý kiến cho là khá chung chung và chưa thực sự hữu ích cho việc xem xét ngành nghề nào cần được bổ sung hay loại bỏ khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Xuân, Công ty Luật BASICO, nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được bãi bỏ thêm, như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, nhượng quyền thương mại, dịch vụ tổ chức dạy thêm - học thêm, kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản, kinh doanh thủy sản, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy… do không thấy rõ điều kiện kinh doanh “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Xuân cho rằng với một số ngành nghề, có thể sử dụng những công cụ quản lý nhà nước khác để điều tiết chứ không nhất thiết sử dụng các điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, đối với sản xuất mũ bảo hiểm thì việc bảo đảm “quy chuẩn kỹ thuật” là đương nhiên nhưng “kinh doanh mũ bảo hiểm” bao gồm cả việc mua bán mà quy định cả điều kiện thì không phù hợp.

Liên quan đến các tiêu chí, thủ tục xác định ngành nghề nào là kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến đề xuất dự thảo luật cần quy định nguyên tắc xác định từng loại điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực như tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, vốn đầu tư, mặt bằng kinh doanh…, tránh việc đưa ra các điều kiện chung chung. Đồng thời, danh mục ngành nghề kinh doanh phải là danh mục “mềm” để có thể sửa đổi, bổ sung hằng năm. Khi đó, Quốc hội có thể bổ sung, bãi bỏ điều kiện kinh doanh theo đề nghị của Chính phủ.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, không chỉ một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tiêu chí của việc Chính phủ thêm, bớt một số ngành nghề kinh doanh khỏi danh mục có điều kiện mà DN cũng khá bị động với các thay đổi chính sách. Do đó, Chính phủ nên xây dựng và công bố hệ thống tiêu chí sàng lọc khách quan và cụ thể hơn. Để tạo môi trường kinh doanh tốt, các chính sách cần phải minh bạch và ổn định. Ngoài ra, một số ngành nghề mà DN Việt chưa có năng lực nhưng lại có tác động tốt cho xã hội như dịch vụ khám chữa bệnh, vận hành nhà chung cư… nên loại ra khỏi danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nên xem vàng trang sức là hàng hóa thông thường

Liên quan đến các ngành nghề có điều kiện trong lĩnh vực vàng, theo phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện bởi đây là hàng hóa thông thường, việc sản xuất không ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá. Việc đưa vàng trang sức, mỹ nghệ vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra cơ chế xin - cho không cần thiết, gây nhũng nhiễu DN. Cần đơn giản thủ tục hành chính để khuyến khích DN phát triển mặt hàng này nhằm tạo ra giá trị gia tăng, góp phần giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu để tái tạo ngoại tệ, tăng thu cho ngân sách.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây