Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Gần Tết, bưởi, Phật thủ vẫn “dài cổ” ngóng khách

Gần Tết, bưởi, Phật thủ vẫn “dài cổ” ngóng khách
Chỉ hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán nhưng tại vườn trồng các loại quả quen thuộc trên ban thờ gia tiên như bưởi, Phật thủ, nhiều nông dân vẫn ngóng khách ghé thăm. Một số loại đặc sản miền Bắc năm nay mất mùa và giá cận Tết của những đặc sản này vẫn là “ẩn số”.

Nhiều người trồng bưởi Diễn cho biết năm nay mất mùa, nhất là bưởi Diễn ở "đất gốc". Ảnh: NT.

Bưởi Diễn mất mùa

Tết Nguyên đán đang đến gần, đây là dịp thị trường hoa quả sẽ sôi động và được người nông dân đón chờ nhất. Tuy nhiên, nếu các vườn cây cảnh như đào, quất, mai, ly… đã bắt đầu đắt khách tới đặt mua thì tại các vườn cây ăn quả như bưởi, cam, Phật thủ lại vẫn “án binh bất động”. Tại Hà Nội, khảo sát của PV Báo GĐ&XH ở một số vùng nổi tiếng về những thứ quả này cho thấy, không khí vắng vẻ đang bao trùm các vườn cây. Thay vì tất bật đón khách, ra giá, ghi đơn hàng như ở các vườn đào, quất, tại các vườn cung ứng quả thờ Tết, chủ nhà lại đang ngán ngẩm chờ khách. Bưởi Diễn, thứ đặc sản nổi tiếng của vùng Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vốn được người dân ưa dùng trong mỗi dịp Tết bởi độ ngọt sắc đặc trưng và chỉ tại vùng đất này mới có được. Tại thời điểm này những năm trước, cả làng Phúc Diễn đã bắt đầu sôi động do khách viếng thăm thì nay gần như chưa có khách đến hỏi thăm chủ vườn.

Gia đình chị Phạm Thị Hảo (Bắc Từ Liêm) có hai mảnh vườn trồng bưởi cho biết: "Quả chính gốc, rất ngọt nhưng năm nay bưởi Diễn không được mùa lắm, có lẽ do thời tiết không thuận lợi nên kết quả rất ít, những gốc bưởi của nhà tôi cho quả đều nhiều năm rồi đấy nhưng năm nay chẳng có quả". Chị cho biết thêm, dù mất mùa nhưng cũng chưa thể biết được giá cả khi Tết đến bởi hiện nay cũng có nhiều bưởi Diễn trồng tại các vùng khác tràn về. Hiện tại, bưởi Diễn ngon thì vẫn được bán với giá 60 – 80 nghìn đồng/quả. Tuy nhiên, thời điểm này cũng chưa có người đến đặt mua, chủ yếu là các gia đình đang dần tự thu gom lại. Tìm đến vườn bưởi Ngọc Hân bên đường Văn Tiến Dũng (Bắc Từ Liêm), chị Thủy – chủ vườn cho biết gia đình chị có 600 cây nhưng năm nay cũng cho ít quả hơn. Hiện các lái buôn đã bắt đầu đến đặt mua còn khách lẻ thì vẫn chưa có. Tại đây, một quả bưởi Diễn có giá 50.000 đồng, tuy nhiên vẫn có những chủ vườn hoặc thương lái cố tình "hét giá” tới 70-80.000 đồng/quả khiến không ít khách hàng bức xúc.

Nhiều nông dân Đắc Sở đang lo lắng vì Phật thủ năm nay kém chất lượng hơn những mùa trước.

Phật thủ “đỏ mắt” chờ thương lái

Ngoài bưởi, Phật thủ là một loại quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình trong dịp Tết. Tại xã Đắc Sở (Hoài Đức) vốn là vùng đất truyền thống trồng cây cam đường nhưng trong vài năm trở lại đây, người dân đã chuyển sang trồng cây Phật thủ và đạt thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Trao đổi với phóng viên, người dân tại đây cho biết, họ còn đi thuê đất tại các vùng lân cận như Phượng Cách, Sài Sơn, Yên Sở (Quốc Oai) để trồng Phật thủ. Tuy nhiên, năm nay đến giờ vẫn chưa có nhiều thương lái đến mua. Chị Bùi Thị Huê, một chủ vườn thuê đất tại xã Yên Sở buồn rầu chia sẻ: "Nhìn chung năm nay nhiều hộ mất mùa, không hiểu sao lại vậy. Như vườn tôi giờ chỉ được độ 1/5 của năm ngoái thôi. Đơn cử một cây năm ngoái được 60-70 quả thì năm nay chỉ hơn chục quả! Giờ này cũng chưa có lái buôn đến xem".

Chị Huệ cho biết thêm, riêng tiền thuê một mẫu đất hết 40 triệu đồng/năm, trong khi đây mới chỉ là vụ thứ 2 mà gia đình được thu hoạch. Tết 2016, gia đình chị cũng thu về vài trăm triệu đồng nhưng với năng suất của năm nay thì khả năng tiền lãi thu về sẽ chẳng là bao. Thực tế, đến các vườn Phật thủ tại Đắc Sở hiện giờ hầu như vẫn vắng vẻ, chỉ có chủ vườn mê mải trông nom cây cối. Anh Nguyễn Văn Thuận, người gốc Đắc Sở nhưng lại phải đến nơi khác thuê đất để làm vườn cho hay: "Giờ đất vườn ở Đắc Sở đã cằn nên mọi người không trồng nhiều nữa, cần thay cây màu khác nên phải đi nơi khác thuê đất. Năm ngoái được mùa hơn nhưng chính người đi buôn cũng "ế", còn năm nay thì kém, nhiều hộ thuê trên Yên Sở cũng không được mùa, quả thì lom nhom nên đến giờ hầu như vẫn chưa có người đến xem và mua".

Những chủ vườn ở đây chỉ còn cách ngồi chờ thương lái đến đặt mua chứ khó có khả năng tự thu hoạch và tiêu thụ. Vì thế, họ phải chấp nhận mức giá thấp hơn nhiều so với sự đắt đỏ trên thị trường khi bán cho người tiêu dùng. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch Hội Nông dân tập thể xã Đắc Sở) cho biết: "Toàn xã hiện nay có khoảng 200 héc-ta Phật thủ, nhưng là đất đi thuê ở địa phương khác, còn đất Đắc Sở thì không còn do đang trong giai đoạn cải tạo. Năm nay do thời tiết khắc nghiệt nên Phật thủ bị mất mùa, hầu như là quả ít và mẫu mã kém hơn. Hiện mới chỉ có có khoảng 20-30 vườn có thương lái đến mua”.

Anh Nguyễn Văn Thuận, người gốc Đắc Sở cho biết, vườn cây Phật thủ của anh may mắn sai trĩu quả và chất lượng tốt nên được thương lái đến mua sớm. Hai vườn Phật thủ của anh với 300 cây, tuy mới trồng và bắt đầu thu hoạch từ năm 2015 nhưng đến nay đã cho năng suất khá cao. Riêng chiều 7/12, gia đình anh đã bán được một vườn Phật thủ, thu về hơn 500 triệu đồng do có thương lái đến đặt mua và bắt đầu cắt dần cho đến Tết. Trường hợp của gia đình anh tới nay vẫn là “hy hữu”, số lượng gia đình may mắn có được vườn Phật thủ như anh Thuận không nhiều.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây