Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Doanh nghiệp “nhấp nhổm” vì tỷ giá

Doanh nghiệp “nhấp nhổm” vì tỷ giá
Việc tỷ giá ngoại tệ “nhấp nhổm” khiến nhiều doanh nghiệp thấp thỏm không yên, nhất là trong bối cảnh cuối năm phải nhập nhiều hàng hóa.

Đồng USD tăng, doanh nghiệp nào có lợi?

Ông Lê Hoàng Huynh, Giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết, doanh nghiệp Việt có đặc thù là nhu cầu nhập khẩu những tháng cuối năm thường nhiều hơn những tháng khác trong năm. Đáng nói, thời gian này, ngoại tệ cũng hay có biến động. Chính điều này khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về rủi ro tỷ giá. Lấy ngay ví dụ về lô hàng hóa chất nhập khẩu vừa qua của công ty, ông Huynh cho hay: Mỗi một container nhập về trị giá khoảng 100 nghìn USD, tỷ giá là 22.300 VND/USD, tương đương 2,23 tỷ đồng. Nay tỷ giá tăng lên khoảng 40 đồng, nghĩa là giá một container là 2,27 triệu đồng. Như vậy, mỗi container doanh nghiệp sẽ bị lỗ 40 triệu đồng. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là doanh nghiệp nhỏ nên khoản lỗ về tỷ giá tăng còn ít. Song với doanh nghiệp lớn, đơn hàng có giá hàng trăm tỷ thì giá USD biến động sẽ lỗ nặng. Nhưng nhìn chung, với doanh nghiệp nhập khẩu, ai cũng biết những tiềm ẩn của việc biến động tỷ giá. Vì thế, chúng tôi cũng đưa khoản lỗ từ sự biến động tỷ giá vào danh mục rủi ro trong kinh doanh”, ông Huynh nói.

Khi giá USD tăng những doanh nghiệp nhập khẩu hàng sẽ phải mua giá cao làm đội lên chi phí doanh nghiệp. Ngược lại, với doanh nghiệp xuất khẩu thì lại có lợi vì khi đem ngoại tệ về bán sẽ được giá cao. Quy luật là vậy, song theo ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nông sản XK Sài Gòn, với những doanh nghiệp có bề dày hoạt động, đơn xuất khẩu luôn duy trì ổn định hàng năm thì việc giá USD tăng hay giảm đều không có lợi. “Cụ thể như ở thị trường Nhật Bản, chúng tôi ký kết hợp đồng đều là giá USD. Khi giá USD biến động tăng mạnh trong thời gian dài 4 - 6 tháng, nghĩa là giá hàng hóa của chúng tôi cao thì bên Nhật sẽ đàm phán để mua giá thấp hơn. Ngược lại, nếu giá USD giảm, thì phía chúng tôi cũng sẽ đàm phán nâng giá bán lên để bù lại. Thế nên mới nói, với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung, không quan trọng là giá USD tăng hay giảm, mà sự ổn định của tỷ giá để làm ăn”, ông Long nói.

Không lo găm giữ ngoại tệ

Trong ngày đầu tuần (21/11), giá USD tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, Vietcombank niêm yết 22.510 - 22.610 đồng/USD, tăng 60 đồng. Cùng ngày, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 22.124 đồng/USD, tăng 12 đồng. Như vậy, sau 9 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 99 đồng/USD. Đây cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm 2016 tới nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá USD hiện tại nếu so với tháng 12/2015 thì vẫn thấp hơn khoảng 50 đồng.

"Ở các nước phát triển, để tránh rủi ro tỷ giá thường các doanh nghiệp chọn hình thức mua kỳ hạn tỷ giá. Hay nói cách khác, doanh nghiệp lựa chọn hình thức mua hợp đồng ngoại tệ. Việc mua hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ có thể khiến DN tốn tiền hơn nhưng đảm bảo được rủi ro tỷ giá. Chẳng hạn như hợp đồng mua ngoại tệ ba tháng cuối năm với giá cố định là 22.500 VND/USD. Vậy tháng 11, 12 nếu giá có tăng hay giảm thì ngân hàng cũng chỉ bán đúng giá đó, doanh nghiệp sẽ tránh được những rủi ro từ giá USD biến động”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng

Mặt khác, chuyên gia tài chính nhận định, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm. Trên thị trường, nhu cầu về ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ khá tốt nhờ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập và lượng kiều hối chuyển về… Vì vậy, cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, lượng kiều hối chuyển về đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. “Ngân hàng luôn cam kết mọi nhu cầu chính đáng của người dân về mua USD đều được đảm bảo. Các doanh nghiệp cũng được ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán hàng hóa cuối năm”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Huynh cũng thừa nhận, nếu những năm như 2011 về trước, nhiều khi doanh nghiệp cần USD nhưng không mua được phải chạy ra chợ đen hoặc đi gõ cửa các doanh nghiệp xuất khẩu khác để nhờ vả. Tuy nhiên, đến nay, việc mua USD cho các nhu cầu thanh toán tại các ngân hàng lại trở nên dễ dàng.

Trước ý kiến cho rằng, giá USD tăng sẽ khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ tăng, ông Huynh phủ nhận: “Với một đơn vị vừa xuất khẩu và nhập khẩu nên khi xuất khẩu có USD về thì doanh nghiệp đâu có giữ lại mà phải bán đi. Bán để lấy VND về trả lương cho nhân công và mua nguyên vật liệu để quay vòng”. Tương tự, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Nông sản XK Sài Gòn cho hay: “Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa chứ không kinh doanh ngoại tệ. Khi xuất hàng đi có ngoại tệ về thì đem bán để thanh toán các chi phí khác. Và nếu còn dư VND thì cũng gửi tiết kiệm kiếm 5-6% có lợi hơn là cất USD không được sinh lợi gì”. Theo tính toán, nếu giá USD tăng thêm vài chục đồng cũng không đáng kể so với lợi nhuận từ việc gửi tiết kiệm ngân hàng trong thời gian hiện nay.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây