Để kinh tế tăng trưởng bền vững
- Thứ hai - 19/06/2017 15:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Liên quan đến việc tăng sản lượng khai thác dầu để tăng mức đóng góp vào GDP, VEPR dự báo hai kịch bản sẽ xảy ra khi tăng khai thác sản lượng dầu thô để đạt tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng theo trạng thái gần với tình trạng “tự nhiên” của nền kinh tế . Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 có thể đạt mức 6,37%; nền kinh tế trong hướng hồi phục, nhưng chậm chạp. Với kịch bản thứ hai, VEPR giả định, mức tăng trưởng đạt chỉ tiêu 6,7%. Trong hoàn cảnh này, Chính phủ bảo đảm cam kết đốc thúc sát sao các ngành, các lĩnh vực đạt mức tăng sản lượng theo kế hoạch chi tiết đã đề ra. Đặc biệt, ngành dầu khí được coi như một phương tiện để bù đắp các thiếu hụt về chỉ tiêu GDP. Khu vực kinh tế nhà nước nói chung và lĩnh vực khai khoáng tăng trưởng cao hơn trung bình những năm trước.
Lĩnh vực khai khoáng tăng trưởng cao hơn trung bình những năm trước.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, giữa 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017, Việt Nam nên theo kịch bản 1. “Trong cuộc chơi tăng trưởng, Chính phủ sẽ không còn là người chơi mà lùi ra khỏi cuộc chơi. Chính phủ sẽ là người tạo ra và trông coi luật chơi đó có được thực thi hay không, xem người chơi có chơi đúng luật hay không. Nếu làm được điều đó, người chơi sẽ sáng tạo, say sưa nhất với chính năng lượng của họ để tạo ra sản phẩm cho xã hội”, ông Thành nói.
VEPR cũng cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại các nguồn lực cho tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,... có thể không mang lại kết quả mong muốn. Chính phủ cần tập trung vào nâng cấp hệ thống giáo dục và dạy nghề để nâng cao chất lượng lao động; cải cách thể chế và hành chính nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Về trung hạn, Chính phủ cần tinh giản bộ máy hành chính nhà nước và giảm sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào nền kinh tế. Đã đến lúc bộ máy nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng Nhà nước điều hành và quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng luật thay vì trực tiếp tham gia. Để thực hiện chủ trương này, trước mắt cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cơ quan quản lý nhà nước với các DNNN phải độc lập với các cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu trong các DNNN.
“Trong cuộc chơi tăng trưởng, Chính phủ sẽ không còn là người chơi mà lùi ra khỏi cuộc chơi. Chính phủ sẽ là người tạo ra và trông coi luật chơi đó có được thực thi hay không, xem người chơi có chơi đúng luật hay không. Nếu làm được điều đó, người chơi sẽ sáng tạo, say sưa nhất với chính năng lượng của họ để tạo ra sản phẩm cho xã hội”. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách |