Đâu dễ thu thuế bán hàng qua mạng!
- Chủ nhật - 11/06/2017 15:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo số liệu của Cục Thuế TP HCM, trên địa bàn TP có 910 tài khoản Facebook kê khai đăng ký thuế và hơn 12.000 tài khoản có quảng cáo, bán hàng nhưng chưa kê khai.
Chủ tài khoản không đến làm việc
Tuần qua, một số chi cục thuế quận, huyện ở TP HCM đã gửi thư mời tới các chủ tài khoản có kinh doanh trên Facebook theo danh sách của Cục Thuế TP HCM đến cơ quan thuế để làm việc. Tuy nhiên, lãnh đạo các chi cục này cho biết hầu hết chủ tài khoản được mời đều không đến làm việc, không phản hồi thư mời của cơ quan thuế; có người chỉ gọi điện thoại trao đổi chứ không đến cơ quan thuế.
Cơ quan thuế có thể căn cứ vào các hoạt động giao nhận, kho bãi của người kinh doanh trên Facebook để xác định doanh thu của họ Ảnh: TẤN THẠNH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết hiện chưa có báo cáo chính thức từ 24 chi cục thuế trên địa bàn nhưng qua phản ánh của các chi cục, hiện việc triển khai tiếp xúc, làm việc với các chủ tài khoản đang gặp trở ngại do một số chủ tài khoản không hợp tác. Theo bà Hương, trước khi triển khai hoạt động này, cơ quan thuế đã có một số hoạt động tuyên truyền để người kinh doanh hiểu việc kê khai nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân có hoạt động kinh doanh. Nhưng có thể nội dung tuyên truyền chưa đến được tất cả đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội, trong đó có Facebook, nên nhiều người chưa hiểu, nghĩ rằng cơ quan thuế mời lên là sẽ phải đóng thuế.
Trong khi đó, lãnh đạo của một số chi cục thuế quận, huyện cho biết đến thời điểm này, các cơ quan vẫn tiếp tục rà soát danh sách, thiết kế phiếu thu thập thông tin, gửi thư mời cá nhân bán hàng trên Facebook đăng ký, kê khai thuế. Theo đó, người kinh doanh trên Facebook sẽ được cơ quan thuế hướng dẫn đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký thuế; kê khai các mặt hàng kinh doanh, doanh thu bán hàng, phương thức thanh toán…
Làm sao xác minh được doanh thu?
Một vấn đề khác được dư luận đang đặt ra là người bán hàng trên Facebook có thể không tự giác đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế hoặc có gian lận khi kê khai doanh thu, cơ quan thuế sẽ xử lý thế nào?
Theo một cán bộ thanh tra thuộc Cục Thuế TP HCM, chủ trương của cơ quan thuế là áp dụng các biện pháp từ mềm mỏng đến cứng rắn giống như việc thu thuế thu nhập cá nhân cách đây 10 năm. Lúc đó, giới văn nghệ sĩ là đối tượng đầu tiên phải nộp thuế. Ban đầu, cơ quan thuế yêu cầu đối tượng này tự giác kê khai thu nhập, sau đó cơ quan thuế đưa ra các chứng cứ cho thấy thu nhập của họ cao hơn rất nhiều. Như thế, người nộp thuế đã có hành vi gian lận về thuế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng, cơ quan thuế vẫn khuyến khích, vận động họ kê khai thu nhập bổ sung để tính thuế. Từ đó, việc kê khai tính thuế dần đi vào khuôn khổ. "Trường hợp chủ trang Facebook né thuế bằng cách bán hàng hóa giá trị nhỏ, số lượng lớn và người mua không cần hóa đơn chứng từ thì hoạt động kinh doanh của họ phải có giao nhận hàng hóa, kho bãi… Các hoạt động này sẽ được quản lý thị trường, công an... thường xuyên theo dõi nắm bắt. Từ đó, cơ quan thuế phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập thông tin, chứng cứ rồi đưa ra biện pháp chế tài" - thanh tra viên của Cục Thuế TP HCM nói.
Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế, các cá nhân kinh doanh ở Việt Nam thường không có sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Họ thường kinh doanh trực tiếp trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên việc thanh toán bằng tiền mặt là rất phổ biến. Chính vì thế, ngành thuế quản lý thuế các cá nhân kinh doanh theo hình thức doanh thu khoán. Để xác định được số doanh thu khoán này, cơ quan thuế dựa các chi phí của cá nhân như địa điểm, lao động, điện, nước và các yếu tố tối thiểu, từ đó xác định được chi phí tối thiểu và doanh thu tối thiểu của cá nhân kinh doanh. Với các cá nhân hoạt động kinh doanh trên Facebook cũng vậy.
Tuy nhiên, theo một thành viên Hội Kế toán TP HCM, các nước phát triển, có trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thu thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng từ lâu. Việt Nam đang thí điểm thực hiện việc này nhưng khó có thể đánh giá được hiệu quả thế nào. Trên thực tế, 2 vấn đề dễ hơn là kêu gọi sử dụng hóa đơn điện tử và kết nối phần mềm thu tiền của các nhà hàng, quán ăn với cơ quan thuế hiện vẫn chưa thực hiện được thì việc quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng không biết sẽ như thế nào.
Bà TẠ THỊ PHƯƠNG LAN, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế: Tiến tới khấu trừ thuế tại nguồn Liên quan đến thuế luôn có ý kiến trái chiều nhiều hơn đồng thuận nhưng không phải vì thế mà ngành thuế không làm. Trước băn khoăn của dư luận về khả năng khó thu thuế kinh doanh qua mạng trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế tiền mặt, ngành thuế đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp quản lý vấn đề này. Theo đó, sẽ phải sửa đổi các chính sách tổng thể, tiến tới việc quản lý mang tính chủ động như khấu trừ thuế tại nguồn, hay các hình thức trích nộp tự động từ các cơ quan quản lý nhà nước khác khi các cá nhân có vi phạm về thuế. Trong những giao dịch mua bán qua tài khoản Facebook, rất nhiều giao dịch đã thực hiện thanh toán online, người ship hàng chỉ giao hàng, không thực hiện thu tiền. Về nguyên tắc thì không khó để quản lý bằng cách ngân hàng thực hiện chặn trừ tiền song làm như thế nào còn phải bàn đối với từng trường hợp cụ thể, quy mô giao dịch cụ thể. Ở nước ngoài, tất cả hệ thống quản lý nhà nước cùng tham gia vào việc quản lý này. Họ cũng chặn nhiều giao dịch trốn thuế quy mô lớn. Tại Việt Nam, chưa đủ điều kiện nhưng cũng phải tiến tới dần và chúng tôi xác định chỉ làm với những trường hợp kinh doanh lớn. Ông CHUNG THÀNH TIẾN, Trưởng Văn phòng phía Nam Hội Kế toán hành nghề Việt Nam: Ngành thuế hơi vội vàng Ngành thuế đã có bước đi hơi vội vàng, lẽ ra nên làm công tác tư tưởng cho các đối tượng có kinh doanh trên mạng xã hội trước để họ hiểu rõ người kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ thuế và được bảo vệ quyền lợi kinh doanh hợp pháp của họ thế nào… Nếu được tuyên truyền cặn kẽ, thông suốt thì việc triển khai thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Suy cho cùng, người kinh doanh nào kiếm ra lợi nhuận cũng muốn được "ăn ngon ngủ yên" chứ không ai muốn nơm nớp lo một ngày nào đó mình sẽ bị cơ quan nhà nước kiểm tra, xử phạt vì chưa đăng ký kinh doanh hoặc vì những lý do gì khác. Với trình độ công nghệ thông tin của cơ quan thuế hiện nay, muốn thu thuế bán hàng trên mạng không dễ. Ngành thuế sẽ còn loay hoay, khó có thể thu thuế bán hàng trên mạng. Chưa kể đến nay, cơ quan thuế chưa thống kê được số tài khoản có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số tài khoản có kinh doanh trên mạng và theo tôi, số tài khoản có doanh thu vài trăm triệu đồng/năm không nhiều nên số thu sẽ không tương xứng với số nhân lực, thời gian ngành thuế bỏ ra để quản lý, thu thuế đối tượng này. Bà LÊ THỊ THU HƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM: Chưa có kế hoạch chế tài Trước mắt, mục đích của chúng tôi mời các chủ tài khoản lên làm việc là để nắm thông tin, vận động đăng ký kê khai nộp thuế nhằm bảo đảm việc khai nộp thuế được công bằng giữa những người kinh doanh, nếu chủ tài khoản kinh doanh nào có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên mới phải đóng thuế, những tài khoản dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải đóng. Cũng không có chuyện chủ tài khoản Facebook đăng ký thuế là phải đóng phí môn bài vì nếu doanh thu không đến mức chịu thuế thì không phải đóng phí môn bài, nếu thu nhập đến mức chịu thuế thì sẽ đóng phí môn bài tùy theo doanh thu với mức thấp nhất là 300.000 đồng/năm, cao nhất là 1 triệu đồng/năm. Chúng tôi cũng chưa có kế hoạch chế tài gì nhưng dĩ nhiên, những trường hợp có tổ chức kinh doanh mà không kê khai nộp thuế, nếu cơ quan thuế kiểm tra phát hiện được sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. P.An - T.Hà ghi |