Đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi
- Thứ ba - 08/08/2017 23:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong báo cáo mới nhất về chuyên đề chính sách thuế với bất động sản (BĐS), Bộ Tài chính đã đề cập vấn đề nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở).
Theo thông lệ quốc tế
Theo Bộ Tài chính, hiện có nhiều khoản thu liên quan đến BĐS thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế BĐS như thông lệ quốc tế. Chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước (NSNN) vì số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu NSNN.
Trong khi đó, trên thế giới, thuế tài sản ra đời rất sớm, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là chủ yếu của NSNN. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó Canada là 4%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi. Cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia như Canada, Úc, Malaysia,... thời gian gần đây cho thấy có xu hướng cải cách nguồn thu theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.
Bộ Tài chính đánh giá thời điểm hiện nay, việc nghiên cứu, ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí. Điều này cũng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới vì thị trường BĐS được kỳ vọng phát triển ổn định và bền vững hơn... Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 USD (khoảng 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên.
Mang lại công bằng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh BĐS TP HCM, nhìn nhận vấn đề này đã được Bộ Tài chính đề cập lần đầu tiên vào cuối năm 2016, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế tài sản trước năm 2020. Như vậy, sớm nhất cũng phải sau năm 2020 mới có hiệu lực. Đây là sắc thuế mang tính trực thu, đánh vào những người sở hữu tài sản lớn, tức là những người sở hữu nhiều nhà đất thì căn nhà thứ 2 trở đi sẽ bị đánh thuế cao.
Tiền thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP, thấp hơn nhiều nước Ảnh: Hoàng Triều
Theo ông Châu, đánh thuế sở hữu nhà ở có tác dụng chống đầu cơ BĐS. Trước đây, người có tiền lựa chọn giải pháp mua nhà đất đầu cơ hoặc tích tụ tài sản vì đầu tư vào nhà đất không phải chịu thuế. Như vậy, tạo ra tình trạng người có nhiều nhà, người lại không có nhà ở. Khi bị đánh thuế cao, kênh đầu tư này sẽ bị thu hẹp lại, tạo cơ hội cho những người thực sự có nhu cầu về nhà ở, đồng thời khiến nhà đầu tư phải suy tính chuyển dòng tiền sang sản xuất - kinh doanh thay vì đầu cơ vào BĐS phải chịu thuế cao. Để thực hiện chính sách này, cần có các giải pháp đồng bộ; bao gồm chính sách thu tiền sử dụng đất cùng với tài sản trên đất, đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, chuyển từ chính sách thu tiền sử dụng đất một lần như hiện nay sang thu thuế chỉ vài phần trăm trên giá trị BĐS trong nhiều năm để giảm gánh nặng tiền sử dụng đất, từ đó góp phần giảm giá BĐS. "Giải pháp thực hiện cần đồng bộ với chính sách cấp thẻ căn cước công dân của Bộ Công an và liên thông với chính sách của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có dữ liệu về tài sản cá nhân" - ông Châu đề xuất.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng thực hiện đánh thuế đối với người sở hữu nhiều nhà ở là cần thiết vì thực chất là loại bỏ sự bất công bằng ở mức độ nhất định trong hưởng thụ nhà ở, khi người sở hữu nhiều nhà, người lại không có nhà.
Ông nhận xét chính sách này sẽ tác động lớn đến đối tượng là người giàu, các đại gia, những người có quyền lực và không loại trừ bản thân những người thông qua chính sách lại sở hữu nhiều nhà ở. Rất có thể có nhiều biến thể trong quá trình ban hành chính sách nên cần lường trước những phản ứng của dư luận để không bàn lùi.