Đại gia trẻ Trung Quốc nhảy vào thị trường Việt
- Thứ sáu - 30/09/2016 07:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo chỉ số phát triển ngành bán lẻ của Công ty AT. Kearney năm 2016, trong tốp 20 thị trường tiềm năng có tổng cộng sáu thị trường châu Á. Xếp đầu bảng là Trung Quốc, Ấn Độ thứ hai, Malaysia thứ ba, Indonesia thứ năm, Việt Nam thứ 11 và Philippines thứ 16.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Sau Thái Lan đến lượt Trung Quốc nhảy vào
Điểm lại các thương vụ mua-bán, sáp nhập cũng như sự kiện thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam trong một năm qua cho thấy nổi bật nhất phải kể đến các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật và Hàn Quốc.
Thái Lan hưởng lợi từ việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm ngoái. Nhật hưởng lợi từ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký cuối năm 2015. Và với Hiệp định kinh tế tự do ký giữa Việt Nam và Hàn Quốc tháng 12-2015, việc nhà đầu tư Hàn Quốc như Lotte, Emart đẩy mạnh phát triển thị trường Việt Nam là điều tất yếu.
Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng vì vậy mà trở nên vô cùng sôi động với tỉ lệ phát triển năm ngoái tăng 9,7% và tổng doanh thu ngành đạt 97 tỉ USD . Trong khi doanh nghiệp Việt than vắn thở dài vì bị đối thủ bán lẻ ngoại lấn sân, hàng hóa ngoại cạnh tranh khốc liệt thì thị trường lại tiếp tục biến động với sự xuất hiện của đại gia một nước láng giềng.
Cụ thể, khi Miniso ký xong hợp đồng nhượng quyền để thâm nhập vào thị trường Việt Nam và công bố mở 12 chi nhánh tại các TP lớn Việt Nam trong năm nay, người ta biết đến Miniso như một công ty Nhật. Nhưng tờ Retail News Asia thông tin: Đây là công ty liên doanh của Nhật với một đại gia Trung Quốc. Báo The Straits Times thì viết: Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về việc Miniso chỉ có bốn cửa hàng ở Nhật nhưng lại có đến 1.110 chi nhánh tại Trung Quốc và ông chủ thật sự người Trung Quốc là Ye Guofu.
Ye Guofu là một trong 33 đại gia trẻ dưới 40 tuổi giàu nhất Trung Quốc. Tiền thân của Miniso là thương hiệu Aiyaya, do đại gia này thành lập tại Trung Quốc từ năm 2004.
Trước đó, tháng 4-2016, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Alibaba của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma đã mua lại Lazada với giá 1 tỉ USD để thâm nhập nhanh vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các nhà phân tích thị trường thế giới bình luận với việc mua lại Lazada, Alibaba sẽ đầu tư lớn vào các chiến dịch quảng bá tại thị trường Việt Nam, đưa hàng hóa Trung Quốc nhanh chóng đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp ngoại đang cạnh tranh trên sân nhà Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay
Những dấu hiệu đổ bộ của nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu. Theo chân họ dĩ nhiên là sự thâm nhập sâu hơn, mạnh hơn và rộng hơn của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Như vậy, giờ đây trên sân nhà Việt Nam, hàng hóa của Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc tấp nập cạnh tranh nhau.
Trong khi đó doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay, hàng hóa Việt vẫn chưa tìm được một hướng ra tích cực. Sự việc mà chúng ta nhìn thấy thật ra là hệ quả tất yếu của một quá trình trong cuộc chơi mà kẻ thắng có tầm nhìn và tư duy dài hạn.
Không phải tự nhiên mà nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Bất kỳ doanh nghiệp có tầm nhìn khu vực hay quốc tế nào, dù là lớn của quốc tế hay nhỏ và vừa trong khu vực đều làm rất giỏi một điều là vẽ bản đồ “bành trướng” thị trường. Và họ làm điều đó dựa trên định hướng phát triển kinh tế của một quốc gia, định hướng phát triển hệ sinh thái của một nghề, cùng với nỗ lực phát triển nội lực của từng doanh nghiệp đã giúp họ thành công trong việc chinh phục thị trường.
Phải chăng đó chính là điều mà Việt Nam đang thiếu?
“Chúng tôi suýt mua được Big C” Tiềm lực mạnh, thương hiệu tốt, giá cạnh tranh nhưng chúng tôi không mua được Big C Việt Nam. Thông tin này được ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc marketing Co.opmart, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa” do báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức chiều 29-9. Mặc dù không thể tiết lộ chi tiết lý do không mua được Big C tại tọa đàm vì vướng những điều khoản trong hợp đồng nhưng đại diện Co.opmart cũng cho biết nguyên nhân chính khiến Big C tuột khỏi tay Co.opmart là do những vấn đề về thủ tục pháp lý. “Trước khi xông vào thương vụ này, chúng tôi cân nhắc rất kỹ và đã xây dựng hai kịch bản thành công và thất bại. Dù sao đây cũng là bài học tốt” - ông Võ Hoàng Anh nói. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thông tin thêm khi biết được Tập đoàn Central Group của đại gia Thái Lan mua được Big C Việt Nam, bà đã trực tiếp gọi điện thoại cho tổng giám đốc tập đoàn này và bày tỏ lo ngại về việc hàng Việt Nam có thể không vào được Big C. Tuy nhiên, tổng giám đốc Tập đoàn Central Group đã cam kết không thay đổi bất cứ vấn đề gì. Sau đó theo đề nghị của bà Loan, Central Group thậm chí còn gửi cả bản cam kết đến Bộ Công Thương. Bà Loan khẳng định Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các công ty thành viên đã cố gắng để giữ cho hàng Việt có chỗ đứng trong những siêu thị của Việt Nam sau mua-bán, sáp nhập bằng những giao kết của tập đoàn nước ngoài. “Nếu các nhà sản xuất, cung ứng gặp khó khăn cứ thông báo cho chúng tôi để có cách can thiệp, xử lý thích hợp và kịp thời” - bà Loan nói. CHÂN LUẬN Người Việt nhìn người khác chia bánh Trong năm năm tới (từ năm 2015 đến 2020), dự đoán tốc độ tăng trưởng gộp của ngành bán lẻ Việt Nam ở mức 26,1%. Chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp ngoại không ngừng đổ bộ vào Việt Nam để phân chia miếng bánh thị trường. Và người Việt ta phải chăng vẫn tiếp tục đứng bên lề nhìn người ta chia bánh? |