Đặc sản Tết miền Tây vào mùa
- Thứ năm - 22/12/2016 19:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Trường Chinh, Chủ nhiệm CLB Đặc sản Trà Vinh, cho biết còn khoảng 1 tháng nữa là Tết nên nhiều loại đặc sản tại Trà Vinh đã bắt đầu được chuẩn bị để cung ứng như: chả hoa, tôm khô, khô cá khoai, củ cải muối, mắm tép các loại… Riêng tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Năm Thụy của ông Chinh chuyên cung cấp các sản phẩm như: pa tê, chả lụa, chả hoa…, dự kiến hàng bán trong dịp Tết sẽ tăng từ 3-4 lần.
“Ngày thường chỉ sản xuất khoảng 1 tấn hàng nhưng trong dịp Tết sẽ tăng lên 4 tấn/ngày. Hàng của công ty tôi không sử dụng hàn the, ngoài việc bày bán trong siêu thị, chúng tôi còn giao cho nhiều đại lý ở các tỉnh phía Nam. Về giá cả thì vẫn bằng năm rồi, xăng dầu vừa tăng giá, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng nhưng công ty cố gắng sẽ không tăng giá nhiều vào dịp Tết, lấy số lượng bù doanh số” - ông Chinh thông tin.
Một cơ sở ở xã Vĩnh Kim đang tất bật làm tôm khô Ảnh: Ngọc Trinh
Trà Vinh còn một đặc sản khá nổi tiếng nữa là bánh tét Trà Cuôn. Theo hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang), mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng 250-300 đòn bánh tét Trà Cuôn nhưng vào ngày Tết thì có thể tăng lên gần 5.000 đòn/ngày. Một số cơ sở làm đặc sản tôm khô Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang) cũng đang tất bật. Năm nay, nguồn nguyên liệu tép tươi khan hiếm nên trong dịp Tết tới, tôm khô sẽ tăng so với mọi năm.
Anh Nguyễn Văn Biển, chủ cơ sở mắm cá rô không xương (xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), hồ hởi: “Năm nay, để chuẩn bị hàng Tết nên cơ sở đã đi gom nguyên liệu từ nhiều nơi. Dự kiến, trong Tết Đinh Dậu sẽ cung cấp khoảng 10 tấn mắm cá rô cho các đại lý ở Sóc Trăng, Long An và TP Cần Thơ… với giá bán khoảng 75.000 đồng/kg. Mặc dù năm nay nguyên liệu đầu vào có tăng chút ít nhưng cơ sở sẽ bình ổn, không tăng giá nhằm tạo uy tín với khách hàng”.
Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) có từ lâu đời nổi tiếng với nhiều loại bánh tráng, được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2009. Sau hơn 2 năm được công nhận làng nghề, các hộ dân đã thành lập HTX Bánh tráng Cù Lao Mây, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tham gia có thu nhập ổn định, chất lượng và mẫu mã bánh càng được chú trọng, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, mưa dầm kéo dài đến tháng 11 âm lịch, không có nắng nên mặt hàng này bị giảm lượng cung.
Ông Lương Văn Thông, Chủ nhiệm HTX Bánh tráng Cù Lao Mây, phân trần: “Mưa quá, không phơi bánh được, bây giờ mỗi ngày, hộ của tôi chỉ làm từ 700-800 cái bánh tráng mặn và ngọt. Trong khi năm rồi, mỗi ngày phải sản xuất gấp đôi. Nhiều nơi kêu tôi giao bánh Tết mà vẫn không có để bán”.