DN kêu: Làm ăn tốt, bị ‘thăm’ 7 lần/năm
- Thứ bảy - 11/03/2017 12:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Nền kinh tế Việt Nam còn dựa quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Như vậy không được, phải tập trung phát triển kinh tế tư nhân trong nước như tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP” - ông Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu tại buổi giao ban hiệp hội và doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 10-3.
Có hai chân nhưng một bị què
Ông Lịch đặt vấn đề: “Kinh tế phải đi bằng hai chân. Nếu cái chân trong nước què quặt, chỉ còn mỗi cái chân nước ngoài là không đi được! Không có quốc gia phát triển nào chỉ dựa vào nguồn vốn nước ngoài, không có nội lực. Mục đích của Nghị quyết 35/NQ/CP là để vực dậy kinh tế tư nhân”.
Ông Lịch cũng khẳng định hơn một nửa số hộ kinh doanh của TP.HCM dư sức lên thành DN nhưng họ không muốn lên thôi. Chứ so tiềm năng, quy mô, doanh số, lao động thì họ còn hơn nhiều DN tỉnh khác. Nhưng họ ngán khai thuế, thích khoán thuế hơn.
Vậy DN cần gì? Theo ông Lịch, họ cần kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất giảm, không lạm phát, xóa bỏ đặc quyền đặc lợi và chính sách không thay đổi xoành xoạch. “Hiện luật pháp chúng ta còn nhập nhằng lắm. Nói A cũng được, nói B cũng xong nên cơ quan hành chính chọn cách nói nào an toàn cho chính mình, sợ mắc tội cố ý làm trái. Vì thế phải rà lại tất cả quy định để người ta mạnh dạn làm điều tốt” - ông Lịch nói.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất: “Đi mua lá đậu họ cũng đòi có hóa đơn đỏ, đòi chuyển khoản!”. Ảnh: Q.NHƯ
Tốn tiền mua thứ bốc hơi
Đại diện Ban thực phẩm đồ uống thuộc Hiệp hội DN Hoa Kỳ (Amcham) lại phản ánh có sự không đồng nhất trong quy định về thực phẩm. Cụ thể, DN phải đi công bố nguyên liệu mua về để sản xuất sản phẩm trong khi họ không hề bán nguyên liệu này ra thị trường mà chỉ dùng nó để sản xuất ra sản phẩm khác. Ví dụ, DN cần 12 nguyên liệu mới làm nên một thỏi sôcôla và phải công bố an toàn thực phẩm hết 12 nguyên liệu này. Đấy là điều không cần thiết, chồng chéo, gây tốn kém thời gian, tiền bạc.
Có những giấy phép mà DN bị buộc phải xin trong khi Luật An toàn thực phẩm không hề nhắc đến như giấy phép phù hợp an toàn thực phẩm với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật... Do vậy cần điều chỉnh, sửa Nghị định 38/2012 về an toàn thực phẩm cho phù hợp hơn.
Cũng theo vị này, nhiều DN hội viên thường than phiền rằng chúng tôi làm tốt, không tai tiếng gì nhưng phải chịu quá nhiều đoàn thanh tra, đến 6-7 lần/năm, từ thanh tra đo lường, thanh tra thực phẩm, thanh tra về y tế... DN rất căng thẳng, mất công tiếp đón mà nội dung kiểm tra đều xoay quanh vài nội dung như nhau. “Sao không giảm tần suất hoặc có quy định trong vòng 2-3 năm không được thanh tra lại cùng một nội dung? Hoặc là thanh tra, kiểm tra những đơn vị có vấn đề, chưa đạt chuẩn chứ DN đã đạt chuẩn, làm ăn đàng hoàng, kiểm lần nào cũng kết quả tốt hết nhưng năm nào cũng đến kiểm hoài!” - vị đại diện góp ý.
Có ý kiến góp ý về những quy định bất hợp lý trong ngành thực phẩm như quy định muối phải là muối có iốt. DN mất thêm tiền để tìm nguồn mua iốt, mua muối iốt đúng chuẩn, đội chi phí lên khiến giá bán sản phẩm cao hơn. Thế nhưng rất nhiều báo cáo khoa học ở nước ngoài cho thấy iốt là chất rất dễ bay hơi, chỉ cần nhiệt độ cao là bay hơi hết nên sản phẩm cuối cùng lại không mang lại một lợi ích nào về iốt cho người tiêu dùng cả! Do vậy cần bỏ quy định thực phẩm dùng muối phải có iốt, chỉ bắt buộc muối ăn phải có iốt mà thôi.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã được phía VCCI ghi nhận để trình bày tại buổi làm việc của Thủ tướng chính phủ về kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP được tổ chức tới đây.
Các bên cần kết hợp chặt chẽ mới thực hiện được Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN. Điều băn khoăn là nhiều DN được hỏi thì nói là họ không biết về các hỗ trợ của địa phương theo Nghị quyết 35. Ông TRẦN NGỌC LIÊM, Phó Giám đốc VCCI tại TP.HCM Có rất nhiều dự án lớn nhưng không phải DN nào cũng biết để dự thầu. Chỉ có những nhóm DN, nhóm lợi ích mới biết mà làm. Cần có cơ chế để những “gói” lớn như thế phải cho các liên minh DN làm chứ không thể dành riêng cho bất cứ một ông lớn nào. Ông CHU TIẾN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM |