Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


“Cuộc chiến” taxi truyền thống và Uber, Grab: Kịch tính!

“Cuộc chiến” taxi truyền thống và Uber, Grab: Kịch tính!
Căng thẳng giữa Uber, Grab và taxi truyền thống đang lên đến đỉnh điểm. Làm sao để người tiêu dùng được hưởng dịch vụ tiện lợi, giá rẻ mà vẫn đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch là thách thức với cơ quan quản lý.

Chê Uber, Grab, “tố” Bộ GTVT

Sáng 28/6, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp giữa các hãng taxi truyền thống, Uber, Grab và đại diện nhiều bộ ngành nhằm giải quyết căng thẳng gần đây. Ông Nguyễn Tiến Long, Thư ký Hiệp hội taxi Hà Nội được cử đại diện trình bày bài tham luận gay gắt “nhắm” vào Uber, Grab và cả Bộ GTVT.

Theo ông Long, hiện Uber và Grab toàn quốc phát triển đến 40.000 xe, Hà Nội khoảng 15.000 xe. Ông này cho rằng, với tiềm năng tài chính hàng tỷ USD, Uber và Grab thực hiện các biện pháp khuyến mãi, giảm giá đã vi phạm Luật Cạnh tranh nhằm “khuynh đảo” taxi truyền thống rồi thống lĩnh toàn bộ thị trường taxi.

Cụ thể hơn, ông Long chỉ ra Uber và Grab có các khuyết điểm như: Không quản lý được lái xe, không quan tâm chất lượng, không có bảo hiểm cho hành khách, gây ùn tắc giao thông, phá vỡ quy hoạch vận tải, có dấu hiệu gian lận thuế... Thậm chí, ông và nhiều doanh nghiệp khác còn “tố” giá cước của Uber và Grab thực chất bằng, có lúc cao hơn taxi truyền thống; việc giảm giá bản chất là dùng vốn lớn, chịu lỗ (mới đây Grab công bố lỗ 440 tỷ đồng) để tranh giành khách.

Đại diện của taxi Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT đã “buông lỏng”, “xem nhẹ”, “thiếu trách nhiệm” trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng về việc thí điểm loại hình taxi công nghệ. Các “lỗi” của Bộ GTVT được chỉ ra như: Không quản lý số lượng phương tiện tham gia thí điểm, có biểu hiện “hợp thức hoá” loại hình này vào Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải. Thậm chí, vị đại diện này còn đặt câu hỏi: “Liệu có lợi ích nhóm ở đây?”. Trước mắt, phía taxi truyền thống đề nghị Bộ GTVT dừng hẳn việc tăng số lượng xe Uber và Grab, thậm chí không cấp thêm đơn vị thí điểm.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM cho hay, việc Bộ GTVT không có biện pháp quản lý khiến các doanh nghiệp taxi khó khăn, lái xe bức xúc, định tập trung “diễu hành”. Ông Trương Đình Quý, Phó Giám đốc Vinasun “năn nỉ” Bộ GTVT và Nhà nước nên thương doanh nghiệp Việt, tạo điều kiện để taxi truyền thống tồn tại.

Tuy nhiên, trao đổi bên lề với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp taxi tại Hà Nội tỏ ra băn khoăn: Nếu buộc Uber và Grab gắn mào, dán tem như hiệp hội đề nghị thì không khác nào “nối thêm giáo” vì họ vừa có thể bắt khách qua hệ thống, vừa được khách đi đường vẫy xe, taxi truyền thống càng khó khăn.

Các hãng taxi truyền thống và Grab có thời kỳ bắt tay hợp tác - taxi truyền thống “chạy” trên nền tảng của Grab. Ảnh: Sỹ Lực.

Cần thay đổi công nghệ để giảm giá

Khác với quan điểm của đại diện của Hiệp hội taxi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, giá cước “rất rẻ” của Uber và Grab là một lợi thế ai cũng nhận thấy. Ngoài ra, dịch vụ này còn có một số tiện ích như: Khi đặt xe, khách hàng biết xe đến đón mình đang đi đến đâu; mẹ gọi xe cho con nhỏ có thể theo dõi được hành trình… “Ưu điểm lớn nhất là cho phép khách chấm điểm nên lái xe cạnh tranh nhau để được thưởng, được đón nhiều khách. Không thể nói họ bỏ rơi khách hàng, không quan tâm đến chất lượng” - ông Hùng phản biện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hùng còn cho rằng, việc các hãng taxi truyền thống thông tin lái xe của họ mất việc, thu nhập thấp cần xem lại. “Lái xe có thể chuyển từ lái taxi truyền thống sang lái xe Uber, Grab chứ chưa chắc họ đã mất việc” - ông Hùng nói.

Thực tế, nhiều lái xe Uber, Grab cho hay, họ vốn là tài xế taxi. Khi chuyển sang chạy xe Uber và Grab, thu nhập không thua kém lái xe của hãng, không phải “đua” đón khách tại một điểm tạo ra nguy hiểm, không phải nộp tiền hàng chục triệu để được gắn “tem, mào” của hãng taxi.      

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, vào giờ bình thường bà đi Uber và Grab từ nhà đến Bộ GTVT hết 40 nghìn đồng, giờ cao điểm hết 60 nghìn đồng. Trước dự cuộc họp này, bà chọn đi taxi truyền thống để không bị Uber và Grab tăng giá giờ cao điểm.

“Tôi gọi một chiếc taxi Ba Sao nhưng đợi mãi không thấy xe đón, đành vẫy một xe khác hết 59 nghìn đồng” - bà Hạnh kể và cho biết Tổng cục Thuế đang triển khai thu thuế cả Uber và Grab, tuy nhiên để thu đủ, đề nghị Bộ GTVT, các sở GTVT cung cấp số liệu cho cơ quan thuế.

Khi được mời lên phát biểu, cả đại diện Uber và Grab chỉ nói ngắn gọn, khẳng định “làm đúng mọi quy định pháp luật”, “vì quyền lợi của hành khách”. Họ không đề nghị gì về chính sách quản lý mà đề nghị Bộ GTVT xem xét, ban hành theo thẩm quyền. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Grab taxi Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh đề nghị khá khiêu khích: “Nếu taxi truyền thống thấy khó có thể chuyển sang sử dụng công nghệ. Chúng tôi rất cần xe chở khách, lúc đó sẵn sàng hợp tác”.

Sẽ xử Uber, Grab không có phù hiệu

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, sẽ hoãn sửa đổi Nghị định 86 để bổ sung đề nghị của các doanh nghiệp taxi truyền thống. Về việc ngừng tăng số lượng xe Uber và Grab, ông Trường cho rằng, đây là thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương. “Đề nghị các địa phương căn cứ theo quyết định thí điểm của Thủ tướng và Luật Giao thông đường bộ quyết định số lượng xe. Các địa phương nên chỉ đạo công an, thanh tra thu hồi giấy phép, xử phạt các đơn vị, cá nhân vi phạm, không đổ lỗi cho Bộ GTVT và các bộ chức năng khác”- ông Trường nói. Ông Trường đề nghị các hãng taxi truyền thống nhanh chóng thay đổi công nghệ, tinh giản bộ máy để có giá cước rẻ hơn cho người tiêu dùng.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trường, vào cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ tổng kết đánh giá sau 2 năm thí điểm cho phát triển Uber và Grab theo quyết định của Thủ tướng. Về số lượng xe thí điểm,  theo Luật Giao thông đường bộ, việc khống chế thuộc thẩm quyền của địa phương.

Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT đề nghị các địa phương xử lý các xe Uber, Grab trá hình, không có phù hiệu mà vẫn hoạt động. Ông Trường cũng đồng ý với đề xuất đưa việc quản lý dán tem, lô gô lên xe của đơn vị vận tải lên thành xe về Sở GTVT. Hiện nay, quy định dán tem, lô gô lên các xe hợp đồng như Uber và Grab đã có nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghiêm.

Ông Trường cũng cam kết, trước mắt, Bộ GTVT làm việc với Grab, Uber, lãnh đạo 4 thành phố tham gia thí điểm, các bộ, ban ngành để làm rõ hơn mô hình của Uber và Grab, xem xét giảm điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống (hiện có 13 điều kiện), xem xét xử lý các dấu hiệu bán phá giá của Uber và Grab.

Grab công khai “chống lệnh” Bộ GTVT và Đà Nẵng

Mới đây, Grab Taxi khai trương dịch vụ đi chung (Grabshare) bất chấp việc Bộ GTVT có công văn hoả tốc yêu cầu tạm dừng, các hãng taxi truyền thống phản ứng gay gắt. Thứ trưởng GTVT đánh giá đây là hành động “coi thường pháp luật”. “Các đồng chí là người Việt Nam (nói lãnh đạo Grab Taxi Việt Nam) biết bị dừng mà vẫn làm; Nếu là người nước ngoài chắc họ không thực hiện. Việc này sẽ xử lý nghiêm, công khai kết quả” – ông Trường nói.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây