Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chứng khoán “bốc hơi” cả tỷ USD: Để thị trường tránh sốc bởi tin đồn

Chứng khoán “bốc hơi” cả tỷ USD: Để thị trường tránh sốc bởi tin đồn
Những sự cố như trục trặc giao dịch, tin đồn âm ỉ hoặc loang ra trên mạng xã hội từng xảy ra và lập tức gây tổn thương cho thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), thậm chí khiến hàng tỷ USD vốn hóa bốc hơi phút chốc, nhà đầu tư rơi vào tâm lý hoang mang. Vì sao TTCK Việt dễ chao đảo, hoảng hốt đến vậy?

Khi nhà đầu tư hoảng loạn

Ngày 9/8/2017, trước tin đồn cựu lãnh đạo một ngân hàng có thể bị bắt, thị trường chứng khoán mở cửa lập tức cổ phiếu nhuốm đỏ sàn. 2 tỷ USD vốn hoá “bốc hơi” chỉ trong một ngày khiến cả giới đầu tư chuyên nghiệp đều bất ngờ, sốc. Thay vì bình tĩnh nhìn nhận bản chất sự việc, đa số nhà đầu tư đã chọn giải pháp là… tháo chạy.

Do tin đồn xuất phát từ ngành ngân hàng nên “hiệu ứng” domino đã xảy ra ngay lập tức với mã cổ phiếu BID (của BIDV) và các mã cùng ngành. Tính chung cả phiên sáng và chiều, tin đồn hôm đó đã khiến cổ phiếu của 10 ngân hàng trên sàn bị “cuốn phăng” 15.725 tỷ đồng. Còn thị trường, ước hơn 2 tỷ USD vốn hóa cổ phiếu bị thổi “bay”.

Chủ tịch một công ty niêm yết lớn trên thị trường chia sẻ: “Thị trường phải tích luỹ bao nhiêu lâu, thế mà chỉ một tin đồn chưa cần biết đúng sai đã làm VN- Index mất gần 18 điểm. Nhà đầu tư tưởng tượng ra những ảnh hưởng quá mức để đưa ra quyết định bán tháo ngay cả khi cơ quan quản lý nhìn nhận không có gì nghiêm trọng để đến mức cần trấn an”.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu. Lần trở lại lịch sử thị trường trong 5 năm trở lại đây, mới thấy TTCK Việt Nam đã vô số lần rơi vào cơn… “hoảng loạn”. Theo thống kê, trong hai tuần đầu của năm 2016, chứng khoán VN đã mất 76.700 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD giá trị vốn hóa. Sự tác động này đến từ TTCK Trung Quốc liên tục rơi - đặc biệt khi ngày 15/1 giảm 20% đã khiến tâm lý nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Việt Nam hoang mang lúc đó.

Trước tin đồn nhà đầu tư không nên hoảng loạn phản ứng tiêu cực.

Cũng sự kiện liên quan tin đồn, hay bắt bớ thì tính ra cũng vô số. Theo đó, chỉ riêng trường hợp bầu Kiên, ông trùm ngân hàng tài chính bị bắt (21/8/2012), TTCK có 3 phiên giảm liên tiếp khiến thị trường bốc hơi 4 tỷ USD. Những tin đồn bên lề xung quanh việc ông Đặng Văn Thành bị cơ quan công an gọi đã tác động mạnh đến giao dịch trên TTCK phiên ngày 2/11/2012 với khoảng 1,2 tỷ USD tan theo mây khói. Tương tự với thời điểm cuối tháng 2/2013 tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV (khi đó) bị bắt lan truyền chóng mặt, TTCK Việt rúng động với lệnh bán tháo diễn ra trên cả 2 sàn với mức giảm chung khoảng 4%.

Cần bình tĩnh, khôn ngoan

Một ngày sau cú sốc ngày 9/8, hôm sau tại lễ khai trương TTCK phái sinh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải lên tiếng nhận định: “Chỉ vì tin đồn thất thiệt mà thị trường chứng khoán đã mất 2 tỷ USD”. Phó Thủ tướng cho rằng trong lịch sử đã có những kiểu tin đồn thất thiệt như vậy, không có căn cứ, không có cơ sở và có thể với mục đích trục lợi.

Nói với Tiền Phong về ứng xử của nhà đầu tư khi tranh nhau đặt lệnh bán tháo phiên 9/8 trước tin đồn, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối phân tích Công ty chứng khoán SSI nhận xét: đây là sự phản ứng hơi quá của tâm lý đám đông. “Sự thận trọng xen lẫn hoài nghi của toàn thị trường trong sự kiện lần này rất khác so với trường hợp xảy ra ở Sacombank cách đây không lâu. Xét về quy mô và mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế, BIDV rõ ràng lớn hơn Sacombank rất nhiều”, ông Linh khẳng định.

Theo ông Linh, trước tin đồn, ứng xử khôn ngoan nhất, nhà đầu tư cần rút ra là phải bình tĩnh, chuyên nghiệp. “Khi các vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, tâm lý thị trường còn nhiều hoài nghi. Nhưng trong lúc số đông còn nghi ngờ, lúng túng thì nhà đầu tư khôn ngoan nên nhìn vào những điểm mấu chốt nào đang tác động đến thị trường thực sự, xu hướng ra sao. Nói chung, phải nhìn ra những nền tảng cơ bản của thị trường”, ông Linh lưu ý.

Cũng theo ông Linh, điều đáng nói nữa là phản ứng lúc đó cho thấy thị trường đã không còn tính đến yếu tố “quá khứ” của những sự kiện đã xảy ra và cũng quên đi hàng loạt những câu chuyện vốn đã hâm nóng rất tích cực cho ngành ngân hàng từ đầu năm tới nay.

Một chuyên gia từng làm việc tại một số TTCK lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore… thì nhận xét tại những nơi mà TTCK phát triển hiếm có khái niệm đầu tư theo tin đồn. Những đồn đoán thiếu căn cứ kiểu như ông Trần Bắc Hà bị bắt sẽ không khiến tâm lý nhà đầu tư lung lay. “Trong khi đó ở Việt Nam, nơi mà sức đề kháng của nền kinh tế còn yếu, những tin đồn kiểu này có sức tác động rất tiêu cực. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường tài chính dễ dàng chao đảo mỗi khi có thông tin xấu” - chuyên gia trên bình luận.

Theo giới phân tích chứng khoán, hiện đang có vô số tin tốt hỗ trợ thị trường. Thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho thấy, liên tục trong 7 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp mua ròng. Còn SSI thì chỉ ra, một yếu tố quan trọng khác đã tạo ảnh hưởng tích cực tới xu hướng của TTCK kể từ năm 2016, đó là lãi suất vẫn đang ở trạng thái tốt và ở mức thấp nhất nhiều năm. Tại hai sàn niêm yết Hose và HNX, đã có 612/678 công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2017 và báo lãi. Tổng lợi nhuận của các công ty công bố là 72,8 nghìn tỷ, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2016.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây