Chủ thẻ ATM chỉ phải chịu 2 loại phí dịch vụ trong tổng số 6 loại phí này
- Thứ ba - 02/05/2017 06:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Thông tư số 35 của NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), trong đó bao gồm 6 loại phí cơ bản như: phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê.
Tuy nhiên trên thực tế, các chủ thẻ thường chỉ phải chịu 2 loại phí cố định là phí phát hành thu một lần khi phát hành thẻ và phí thường niên thường thu hàng năm trong quá trình sử dụng. Còn đối với phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, phí vấn tin tài khoản, phí in sao kê, khách hàng sử dụng dịch vụ đến đâu thì trả phí đến đó. Tuy nhiên, để thu hút, mở rộng cơ sở khách hàng nên đối với phí phát hành và phí thường niên, hiện nay nhiều ngân hàng thường áp dụng chính sách miễn hoặc giảm phí.
Theo quy định tại Thông tư 35 của NHNN, mỗi chủ thẻ chỉ phải chịu 2 loại phí cố định là phí phát hành thẻ và phí thường niên.
Thông tư 35 cũng quy định về phí rút tiền mặt nội mạng như sau, mức phí tối đa từ 1.000 đồng/giao dịch vào năm 2013 đến 3.000 đồng/giao dịch năm 2015 và phí rút tiền mặt ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, thực tế, đối với phí rút tiền mặt nội mạng thì chỉ có 1 ngân hàng áp dụng mức phí 3.000 đồng/giao dịch, 1 ngân hàng thu 2.000 đồng/giao dịch, 10 ngân hàng áp dụng thu phí ở mức 1.000 đồng/giao dịch và 1 ngân hàng thu ở mức 500 đồng/giao dịch; các ngân hàng còn lại áp dụng mức phí 0 đồng/giao dịch. Trong khi đó, như đã nêu ở trên, chất lượng dịch vụ vẫn được các ngân hàng quan tâm đầu tư phát triển.
Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tương ứng với mỗi loại sản phẩm dịch vụ mới ngân hàng cũng tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí bỏ ra để cung ứng dịch vụ và phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Theo đó, mỗi loại phí dịch vụ luôn đi kèm với một loại dịch vụ mà ngân hàng cung cấp tới khách hàng và khách hàng chỉ phải trả phí cho dịch vụ mà mình sử dụng.
Theo đó, khách hàng sử dụng dịch vụ đến đâu thì trả phí đến đó.
Đối với thẻ ATM, theo Thông tư 35 quy định, thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như: rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê,...
Ngân hàng phải công khai biểu phí dịch vụ thẻ
Theo NHNN, các ngân hàng thương mại cũng phải tuân theo những quy định về việc phải công khai biểu phí dịch vụ nói chung và biểu phí dịch vụ thẻ nói riêng. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã quy định, TCTD phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ; Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, cũng quy định tổ chức phát hành thẻ phải niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ theo đúng quy định của pháp luật.
Vừa qua, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, tại Thông tư số 19 của NHNN ban hành ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng cũng đã quy định tổ chức phát hành thẻ phải niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ và phải cung cấp biểu phí cho chủ thẻ trước khi sử dụng cũng như khi có sự thay đổi biểu phí phải thông báo cho chủ thẻ biết tối thiểu 7 ngày trước khi áp dụng và phải quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc thu phí dịch vụ thẻ;
Về vấn đề trả lãi đối với số dư trên tài khoản thanh toán, theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 23 của NHNN ban hành năm 2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì số dư trên tài khoản thanh toán được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn; Mức lãi suất do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ấn định và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo các quy định nêu trên thì số dư tối thiểu trong tài khoản thanh toán của khách hàng được hưởng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.