Chính phủ đề xuất giảm 49 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
- Thứ ba - 18/10/2016 21:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh kéo giảm số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218, giảm 49 ngành, nghề so với hiện hành - Ảnh: Nguyễn Nam
Sáng nay 18-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết dự luật hướng tới tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong kinh doanh.
Theo đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư đã được QH xác định là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bãi bỏ một số ngành, nghề không cần thiết, cập nhật, chuẩn xác tên gọi và hệ thống hóa một số ngành, nghề; đồng thời bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Theo đó, dự thảo luật bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 25 ngành, nghề vào 7 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề. Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 ngành, nghề, giảm 49 ngành, nghề so với danh mục hiện hành.
Cho ý kiến dự luật, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề sửa luật lần này thì kỳ sau có sửa tiếp hay không? "Nếu cứ sửa luật nhiều quá thì tôi rất băn khoăn về tính ổn định của hệ thống luật"- ông Phúc nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự ủng hộ việc trình luật này để tháo gỡ, nhưng băn khoăn nếu sửa với những nội dung như vậy thì có cần thiết không?
"Điều 19 Luật Đầu tư quy định Chính phủ quy định các hình thức hỗ trợ đầu tư đối với DN nhỏ và vừa…, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa hướng dẫn, trong khi luật đã có hiệu lực từ 1-7. Dự luật mới này chỉ đề cập đến việc gộp 25 ngành nghề, rồi sửa điều cấm về ngân hàng…"- bà Ngân chia sẻ.
Theo Chủ tịch QH, 3 nội dung sửa Luật Doanh nghiệp trong dự thảo luật thấy chưa đến mức “nhà cháy chết người”.
"Hay quy định trao quyền cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình đặc biệt (hiện nay là thẩm quyền của Bộ Xây dựng), tôi thấy chỉ cần Bộ Xây dựng đổi mới công tác cấp phép, thủ tục hành chính, cấp nhanh cho người dân, DN làm là ổn chứ chưa đến mức “cháy nhà chết người”"- Chủ tịch QH góp ý.
Chủ tịch QH phân tích thêm một số nội dung trong dự luật chưa thể gọi là cấp thiết, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
"Tôi nghĩ luật phải có gì đó quy định tạo ra động lực mới cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Luật Đầu tư được QH khóa XIII thông qua, cũng do Bộ KH-ĐT soạn thảo, qua nhiều cuộc hội thảo, và được nhiều người khen là luật tốt. Ngay cả Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc ở QH cũng tham gia các cuộc hội thảo về Luật Đầu tư, cũng khen luật này tiến bộ, nhưng vừa rồi lại cũng nói rằng nhu cầu bức thiết phải sửa. Đúng là Thủ tướng rất quan tâm, Chính phủ cũng bị sức ép, nóng lòng cứ thấy cái gì vướng mắc là muốn tháo gỡ…"- Chủ tịch QH "mổ xẻ".
Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn ví dụ về tháo gỡ bút thắt của dự luật như điều 7, do chúng ta thiếu quy định về các ngành nghề liên quan đến một số địa bàn về quốc phòng, an ninh. Vừa rồi xảy ra những chuyện ở Huế - Đà Nẵng hay một số nơi, chúng ta không muốn một số đối tác đầu tư vào địa bàn nhạy cảm, nhưng luật pháp lại chưa có quy định.
"Quan điểm của chúng ta là vướng mắc là tháo gỡ. Những vấn đề đặt ra có thể không phải là vấn đề lớn, nhưng lại đang vướng mắc, vì nó liên quan đến quy định của luật. Vấn đề nhỏ nhưng không sửa, để nó vướng mắc, lại thành vấn đề lớn"- ông Dũng phân trần.
Người đứng đầu ngành KH-ĐT cũng thừa nhận đúng như Chủ tịch QH nói là chưa sửa luật này thì cũng không "cháy nhà, cháy cửa" gì, bởi lúc đầu định sửa 12 luật giờ chỉ còn sửa có 3 luật.
"Sửa những nội dung như vậy thì chưa tác động gì quá lớn, chưa tạo ra được động lực gì lớn lao, nhưng nếu sửa được thì tốt, bởi tháo gỡ được những vướng mắc đang đặt ra. Nếu sửa thì tốt mà không sửa thì cũng chưa chết ai"- ông Dũng bày tỏ.
Thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung và chỉ đưa ra các nội dung thực sự cấp thiết gây cản trở hoạt động của DN và cần có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý nhà nước; không đưa vào sửa đổi, bổ sung những nội dung chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh từ việc thi hành, áp dụng pháp luật để đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung mang tính khả thi.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: UBTVQH thấy rằng quan điểm xuyên suốt của UBTVQH và QH là luôn ủng hộ Chính phủ, cùng "chung lưng đấu cật" giải quyết những khó khăn của đất nước, tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Nhưng UBTVQH thấy rằng dự án luật này nếu căn cứ vào Luât ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian, chất lượng chưa đảm bảo. Đồng thời, theo quy định của Luật ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rất chặt chẽ, rõ ràng những vấn đề cấp bách phát sinh thực tiễn. Nhưng những vấn đề Chính phủ nêu trong dự án luật thì có những vấn đề chưa thật cấp bách. Nếu hướng dẫn đầy đủ chi tiết các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng thì có thể giải quyết những vấn đề Chính phủ đề xuất hôm nay. Hơn nữa, 3 luật này mới có hiệu lực được 1-1,5 năm, cũng chưa có gì thấy vướng mắc quá lớn.
"Vì vậy UBTVQH thấy rằng do còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu không được xem xét thận trọng thì không những không tạo điều kiện cho DN mà còn gây nên những cản trở mới, tạo xung đột pháp lý. UBTVQH đề nghị Chính phủ về chuẩn bị lại, dự luật này chưa đủ điều kiện để trình ra kỳ họp thứ 2, QH khoá XIV khai mạc vào ngày 20-10 tới đây".