Bãi bỏ mọi rào cản nông nghiệp
- Thứ ba - 27/12/2016 10:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, 2016 là một năm thiên tai khốc liệt, cấp tập. Tuy nhiên, toàn ngành đã vượt khó và về đích với kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục từ trước đến nay là 32,1 tỷ USD , tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015, xuất siêu khoảng 7,5 tỷ USD. Trong đó, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên.
Người dân lựa chọn rau sạch tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Rau quả “vượt” lúa gạo
Theo ông Cường, bên cạnh sự tăng trưởng ấn tượng của cà phê, điều, tôm, chăn nuôi… cột mốc đáng nhớ nhất, là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả “qua mặt” mặt hàng gạo, đạt 2,4 tỷ USD, tăng trên 31% so với năm ngoái. “Đây là sự đổi ngôi ngoạn mục, khi năm 2015, xuất khẩu gạo đạt 2,4 tỷ USD, nhưng năm nay, chỉ xấp xỉ 2 tỷ USD. Xuất gạo giảm nhưng chúng ta có nhiều mặt hàng giá trị cao hơn, thậm chí nhiều lần”- ông Cường nói.
Ấn tượng về sự vượt khó của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “cảm ơn bà con nông dân, ngư dân, diêm dân đã chịu thương chịu khó”, đồng thời khẳng định: “Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh và đóng góp rất nhiều cho an sinh xã hội đất nước”.
“Bây giờ người dân nào, nhà khoa học, nhà quản lý nào, tập đoàn, tổng công ty làm được nông nghiệp công nghệ cao, ở đâu Thủ tướng sẽ đồng ý cho các đồng chí làm, không phải xin cho gì cả. Tất nhiên, nông nghiệp công nghệ cao có yêu cầu riêng, không làm theo phong trào, nhưng không dùng cơ chế xin cho kiểu bao cấp”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Tuy nhiên, từ câu rau quả “vượt” lúa gạo, Thủ tướng đặt vấn đề: Có nên giữ 3,8 triệu hécta đất lúa không, khi sản lượng, năng suất nhiều nơi đang dư thừa, trong khi giá trị thấp, thu nhập của nông dân bấp bênh? “Chúng tôi đã thảo luận và báo cáo vấn đề này trước Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội, sẽ giữ khoảng 3 triệu hécta mà thôi. Còn 500-800 nghìn hécta có thể chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi tôm, chăn nuôi…”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng: “Cần một nền nông nghiệp chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu. Anh xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị thấp, thương hiệu không được xây dựng, đây là tồn tại rất lớn lâu nay”.
Người đứng đầu Chính phủ nói: “Bờ xôi, ruộng mật - ở phía Bắc người ta có câu rất hay. Trong khi lãng phí đất đai của chúng ta rất ghê gớm. Nếu số đất đai đó có cơ chế quản lý tốt, lãnh đạo tốt, thì nền nông nghiệp còn tăng trưởng tốt hơn”.
Theo Thủ tướng, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao là một trong ba thế mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với du lịch - dịch vụ và công nghệ thông tin. Thủ tướng cũng cho biết, sẽ bãi bỏ Quyết định 575 với nội dung chỉ 10 tỉnh làm nông nghiệp công nghệ cao.
Đề cập đến việc gói tín dụng 50-60 nghìn tỷ đồng do Câu lạc bộ DN công nghệ cao đề xuất mới đây, Thủ tướng đồng ý và cho rằng, DN công nghệ cao nào cũng có thể được vay và gói này phân bổ từ nhiều ngân hàng, chứ không phải tập trung vào một ngân hàng.
“Đừng để một ngân hàng làm, rồi tính bao cấp, tính thị trường bị hạn chế, từ đó sinh ra nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức ảnh hưởng đến người làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao”-Thủ tướng nói.
Mô hình trồng rau trong nhà kính của doanh nghiệp TH True Milk. Ảnh: Như Ý.
Thiết lập thị trường đất đai cho nông nghiệp
Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, một trong những nút thắt lớn nhất đầu tư vào nông nghiệp là đất đai, hạn điền. “Cần tập trung sửa đổi chính sách đất đai, chuyển dịch dễ dàng hơn từ người không thiết tha về đồng ruộng, sang tay người đầu tư vào nông nghiệp, từ nơi đầu tư hiệu quả thấp, sang hiệu quả cao hơn”- ông Phát nói.
Dẫn điều 190, Luật Đất đai 2013, ông Phát cho biết, quy định hiện hành chỉ cho phép chuyển quyền sử dụng đất trong xã phường… Tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân không sản xuất nông nghiệp, thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. “Như vậy, những DN có tiềm lực, muốn đầu tư cũng không được”- ông Phát nói.
Ông Phát kiến nghị, trong khi chờ đợi sự phối hợp giữa các bộ ngành đề xuất sửa đổi chính sách về đất đai, Thủ tướng cần chỉ đạo Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT rà soát các văn bản dưới luật; cùng với cấp ủy chính quyền, các DN, trang trại để xử lý vấn đề cấp bách trước mắt.
Với cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Phát cho rằng “rất bế tắc”, cần đánh giá lại. “Nhiều DN phản ánh không được hưởng gì chính sách này, hiệu lực kém. Ở đây cần có sự chỉ đạo đặc biệt mới tháo gỡ được, đây là yếu tố quyết định của tái cơ cấu ngành nông nghiệp”- ông Phát nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề xuất, cần xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Ông Cường cũng kiến nghị, cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tăng hạn mức; cho phép DN sử dụng tài sản là nhà lưới, nhà kính …để thế chấp...
Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải quan tâm tới Nông nghiệp
Theo Thủ tướng, dù nỗ lực rất lớn, nhưng ngành nông nghiệp còn nhiều vấn đề, đặc biệt là về hạn điền, sản xuất nhỏ, kinh tế hộ vẫn phổ biến. Trong khi đó, DN trong nông nghiệp, HTX chất lượng cao, dịch vụ tốt trong ngành còn bất cập; khoa học nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Tình trạng an toàn thực phẩm do trách nhiệm, hiểu biết, đạo đức kinh doanh… dư luận đặc biệt quan tâm.
Phản ánh hiện tượng các vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, giống… quản lý chưa tốt, Thủ tướng lưu ý: Hệ thống thanh tra nông nghiệp ở các cục, sở… với lực lượng hàng nghìn người, là “tai mắt” nhưng chưa phát huy tác dụng tốt, “còn nhiều vấn đề”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: “Ông bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng phải quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn. Ông giám đốc sở nông nghiệp phải là người giỏi, ông trưởng phòng nông nghiệp cấp huyện phải là người thao lược, nghiên cứu về nông nghiệp, về kinh tế, kỹ thuật, ý chí chiến đấu từ vùng đất của mình đi lên, làm cái gì để phát triển”.
Thủ tướng nhắn nhủ đến những người làm nông nghiệp phải làm “bằng con tim, khối óc”, khi ông nhắc lời của nhà nông học, GS Lương Định Của: “Có lao động cực nhọc, có đổ mồ hôi trên đồng mới hiểu nỗi khổ của nông dân, mới biết nông dân cần gì, mới nghiên cứu ra thứ có tính ứng dụng”. Thủ tướng cũng đề nghị các đại sứ quán, các tham tán thương mại, đoàn khách Việt Nam phải giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp.