Vụ tài xế Mercedes tông tiếp viên hàng không: Tiền bán nhà của bị cáo ở đâu?
- Thứ bảy - 19/12/2020 14:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ bài báo “Tài xế Mercedes bán nhà khi bị tạm giam ra sao?” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 18-12, có ba vấn đề cần được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Phong tại TAND quận Phú Nhuận. Ảnh: C.HIỀN
Hồ sơ thể hiện căn hộ chung cư do bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong đứng tên trên hợp đồng mua bán với chủ đầu tư (chưa có sổ hồng). Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trên cho mẹ ruột là bà Trần Thị Hoàng Mi với giá hơn 1 tỉ đồng. Theo ghi nhận tại hợp đồng thì bà Mi trả tiền cho Phong ngay sau khi ký công chứng.
Tòa tin bị cáo không có tài sản?
Thứ nhất, trách nhiệm của cơ quan điều tra (CQĐT) trong việc Phong bán tài sản duy nhất khi đang bị tạm giam.
Điều 128 BLTTHS 2015 quy định: Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Trong vụ án này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo Phong là không thể tranh cãi khi vụ tai nạn mà Phong gây ra khiến một người chết, một người bị thương rất nặng.
Tuy việc kê biên tài sản của bị can trong thời gian bị tạm giam không phải là việc bắt buộc CQĐT phải làm nhưng trong vụ án này liệu CQĐT đã làm hết trách nhiệm của mình?
CQĐT có biết được bị cáo Phong chỉ có một tài sản, nếu biết thì tại sao lại “tạo điều kiện” để Phong bán tài sản trong khi đang bị tạm giam mà không ngăn chặn?
Thứ hai, phán quyết của tòa án sơ thẩm trong việc giải quyết phần bồi thường dân sự trong vụ án hình sự.
Điều 30 BLTTHS 2015 quy định: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Vụ này, bị cáo Phong tự nguyện bồi thường cho hai người bị hại tổng cộng 1,477 tỉ đồng và HĐXX ghi nhận trong bản án. Tuy nhiên, phần xét hỏi tại tòa Phong khai chi tiết đã bán căn hộ cho mẹ trong thời gian tạm giam và không còn tài sản gì để bồi thường. Trong khi trong hợp đồng có nội dung: “Bà Mi trả tiền này cho Phong ngay sau khi văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ được công chứng”.
Như vậy, thực tế bị cáo Phong có tài sản là hơn 1 tỉ đồng từ tiền chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chứ không phải là không có tài sản gì. Tuy nhiên, HĐXX đã không xoáy vào hồ sơ để làm rõ bản chất vấn đề là bị cáo vẫn có tài sản. Tòa đã chọn cách dễ dàng nhất là: “HĐXX xét thấy người liên quan có thể kiện và đề nghị kê biên tài sản bằng một vụ án dân sự”.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong. Ảnh: P.LOAN
Trách nhiệm của công chứng viên
Thứ ba, trách nhiệm của văn phòng công chứng (VPCC) đã chứng hợp đồng của mẹ con bị cáo Phong ra sao?
Như đã nói, cơ quan chức năng cần làm rõ thực tế có việc bà Mi trả số tiền hơn 1 tỉ đồng cho người bán là bị cáo Phong ngay sau khi ký công chứng hay không, bằng hình thức nào. Nếu là chuyển khoản thì các cơ quan tiến hành tố tụng có làm các biện pháp xác minh để phong tỏa tài khoản của bị cáo Phong nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án hay không. Nếu là chuyển trả tiền mặt thì lúc ấy Phong đang là bị can bị tạm giam, vậy ai đã giữ khoản tiền đó và số tiền này hiện đang ở đâu, ai quản lý?
Nếu không có việc chuyển trả tiền trên thực tế thì có thể hiểu hợp đồng chuyển nhượng giữa mẹ con bị cáo Phong là hợp đồng giả cách hay không, có bị xem xét về hiệu lực hay không?
Về góc độ công chứng hợp đồng, theo quy định việc công chứng viên (CCV) chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng giữa mẹ con bị cáo Phong là không sai. Tuy nhiên, với diễn biến trên thì dư luận có thể đặt ra nghi vấn liên quan đến tác nghiệp của tổ chức hành nghề công chứng.
Đó là CCV có chứng kiến việc giao tiền giữa hai bên hay không, nếu không thì họ có nghi ngờ việc chuyển nhượng là để nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án hình sự mà Phong đang bị cáo buộc hay không? Thậm chí sau phiên tòa sơ thẩm, CCV có cần đề nghị tòa án xem lại tính hợp pháp của hợp đồng công chứng này hay không?
Rõ ràng nhiều vấn đề nêu trên trong vụ án chưa được làm rõ. Nếu tiến trình giải quyết vụ án được nối tiếp bằng phiên tòa phúc thẩm thì những câu hỏi này cần được cơ quan tố tụng trả lời trước dư luận.
Chưa gặp được cơ quan điều tra Ngày 18-12, PV đến trụ sở Công an quận Phú Nhuận, TP.HCM để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến vụ án, trong đó có nội dung CQĐT cho điều tra viên cùng CCV vào trại tạm giam để bị cáo Phong ký hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ. Tuy nhiên, đại diện công an quận cho biết chiều thứ Sáu phải họp và sẽ liên hệ với PV vào thứ Hai tuần tới. PHƯƠNG LOAN Công chứng viên: Tôi không làm sai! Chiều 18-12, trao đổi qua điện thoại với PV, CCV Đồng Thị Hạnh, Trưởng VPCC Đồng Thị Hạnh, cho biết qua báo chí bà đã nắm được sự việc của bị cáo Phong đối với việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ. Hiện bà đã gửi toàn bộ hồ sơ và văn bản về Sở Tư pháp TP.HCM và cũng gửi công văn cho CQĐT. Bà đang chờ ý kiến chỉ đạo của Sở Tư pháp, chỉ đạo thế nào sẽ thực hiện theo. Bà Hạnh nói: “Nhiều người đưa ra các ý kiến khác nhau, có người nói tôi nên tự đề nghị tòa án tuyên bố văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua căn hộ vô hiệu. Tuy nhiên, tôi thấy không có lý do gì để tôi phải thực hiện việc này, bởi thời điểm công chứng không gặp bất kỳ rào cản nào. Nếu có vấn đề gì thì CQĐT, tòa án và bị hại tự giải quyết”. Cũng theo bà Hạnh, trước khi đến gặp bị cáo Phong tại nơi tạm giam, bà đã có công văn gửi CQĐT với nội dung xin vào công chứng chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trên. Việc bị cáo Phong đang bị điều tra bà có biết từ tháng 1-2020, đến tháng 6 thì bà Mi yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Kể từ khi vụ án xảy ra đến khi bà nhận được văn bản yêu cầu công chứng của bà Mi thì CQĐT không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nào. Hơn nữa, theo bà Hạnh, một người có thể có nhiều tài sản. Căn hộ trên không thuộc diện kê biên nên bà đã xin CQĐT thực hiện việc công chứng nên không có gì sai. “Tôi không biết Phong chỉ có một tài sản duy nhất vì tôi không có quyền điều tra, nếu vụ án chưa xét xử thì người ta cũng không công bố tài sản này của bị cáo” - bà Hạnh nói. Bà Hạnh cho biết bà không quen biết bà Mi nhưng sau khi nắm được thông tin sự việc, bà đã nhờ người thuyết phục bà Mi yêu cầu hủy hợp đồng công chứng nhưng không được vì bà Mi có quan điểm bất nhất. Nên chủ động yêu cầu tuyên bố công chứng vô hiệu Trong sự việc này, CCV sai hay đúng phải kiểm tra hồ sơ mới có thể kết luận được. Tuy nhiên, CCV công chứng văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ đã gây bất cập đến việc bồi thường thiệt hại của bị cáo Phong nếu người này không còn tài sản khác để thi hành. Với tư cách là chủ tịch Hội CCV TP.HCM, tôi đã trao đổi với Trưởng VPCC Đồng Thị Hạnh và có lời khuyên. Cụ thể là văn phòng nên có văn bản gửi Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng (thuộc Sở Tư pháp) đề nghị ngăn chặn những giao dịch liên quan đến văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ. Mục đích là để các CCV khác biết và không có công chứng những giao dịch tiếp theo đối với hợp đồng trên. Ngoài ra, nếu được thì trưởng VPCC thuyết phục bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng yêu cầu hủy hợp đồng. Nếu việc thuyết phục gặp khó khăn thì CCV chủ động đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu theo luật công chứng. Bởi ngay cả khi CCV không sai nhưng khi nhận thấy việc công chứng hợp đồng này bất cập, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người khác thì CCV có thể đề nghị tòa án tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu. Bà NGÔ MINH HỒNG, Chủ tịch Hội CCV TP.HCM CÙ HIỀN ghi |
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/vu-tai-xe-mercedes-tien-ban-nha-cua-bi-cao-o-dau-956720.html