Vụ học sinh bị kết tội “Cướp tài sản”: Sự vô cảm của các cơ quan tố tụng!
- Thứ năm - 18/08/2016 10:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi thật sự sốc và đau đớn trước câu trả lời dửng dưng, vô cảm của bà Trịnh Thị Thiện, Chánh án TAND huyện Hương Khê liên quan đến vụ án cướp tài sản xảy ra tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 19/7/2015.
Những người thân của em Khánh đau đớn khi tòa tuyên án 18 tháng tù giam vì tội "Cướp tài sản"
Vụ án này đang gây bức xúc trong dư luận những ngày qua bởi còn rất nhiều khuất tất:
Thứ nhất, về mặt khách quan hay ý chí chủ quan của em Lê Văn Khánh đều không cấu thành tội “Cướp tài sản” hay đồng phạm về hành vi “Cướp tài sản”
Bởi tại thời điểm Tuấn nhờ Khánh vào quán để cầm giúp tiền và giữ hộ diễn ra vào giai đoạn khi hành vi chiếm đoạt tài sản của Tuấn và Đạt đối với Tý lần thứ nhất đã hoàn thành. Bởi vì giữa Khánh với Tuấn và Đạt không cùng ý chí phạm tội và không cũng hành động phạm tội. Sự xuất hiện của Khánh cũng không làm cho ý chí của Tý bị tê liệt để buộc Tý đưa tiền cho Tuần và Đạt.
Tuy nhiên điều lạ lùng ở đây là khi chưa mở phiên tòa xét xử thì cả 3 ngành: Công an, TAND và VKSND đã họp và thống nhất Khánh có tội?
Nhiều người cũng cho rằng nguồn cội của sự việc bắt nguồn từ 2 người đánh bạc là Giáp và Tý lại không xuất hiện? Rất nhiều câu hỏi lớn cần câu trả lời cụ thể, rõ ràng.
Nhiều người dân cho rằng bản án chưa thuyết phục, vụ án còn nhiều khuất tất, chưa đúng người đúng tội...
Để làm rõ hơn những tình tiết có dấu hiệu oan sai, bao che, bỏ lọt tội phạm của vụ án “Cướp tài sản” này, PV đã liên lạc với cơ quan tố tụng huyện Hương Khê.
Vừa đề cập đến vụ việc thì bà Trịnh Thị Thiện, Chánh án TAND huyện Hương Khê liền chối bỏ: “Vụ án đó tỉnh xử rồi, chị không có gì để trao đổi nữa. Sự việc đó chị đã quên, không nhớ gì nữa. Cái đó lâu rồi quên rồi”. Khi PV xin đặt lịch làm việc cụ thể thì bị vị này từ chối: “Không. Giờ chị không có thời gian nữa”.
Chúng tôi thật sự sốc và đau đớn trước câu trả lời dửng dưng, vô cảm của bà Trịnh Thị Thiện, Chánh án TAND huyện Hương Khê .
Ông Trần Hữu Long, Viện trưởng VKSND huyện Hương Khê cho rằng vụ án này không có vấn đề gì? Ông cho rằng: “Những nhân chứng nào liên quan, chứng kiến hành vi phạm tội này được cơ quan gọi lên hỏi cơ bản đầy đủ, nhưng không hết vì có những nhân chứng không cần thiết!”.
Trong vụ án này có rất nhiều nhân chứng, chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối nhưng không được các cơ quan tố tụng mời làm chứng. Ngược lại những nhân chứng gồm Trần Văn Giáp (cán bộ huyện đoàn), Trần Văn Công (Công an huyện Hương Khê), Võ Văn Tý, Lê Đức Anh, đây là những người đang liên quan đến hành vi đánh bạc. Vậy liệu có khách quan?
Về vấn đề này ông Long cho rằng : “Nhân chứng như thế là đầy đủ, những nhân chứng như Linh, Danh không có mặt cũng không ảnh hưởng gì đến vụ án ? Nếu sơ thẩm mà bỏ sót nhân chứng thì cấp phúc thẩm sẽ gọi thêm”
Có hay không Giáp là kẻ gợi ý, xúi giục?
Trong vụ việc cướp tài sản này, có một tình tiết các bị cáo và nhiều nhân chứng cho rằng các cơ quan tố tụng đã có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm. Đó là hành vi đánh bi-a ăn tiền của Trần Văn Giáp (Cán bộ huyện đoàn Hương Khê) và Võ Văn Tý. Và sự đồng lõa cho hành vi đánh bạc của Trần Văn Công (em trai Giáp, Công tác tại Công an huyện Hương Khê). Tất cả các bị cáo, nhân chứng đều khai thấy Giáp và Tý đánh bi-a bằng hình thức ăn tiền. Và Tý cũng đã thừa nhận hành vi trên. Vậy mà các cơ điều tra, Công an huyện Hương Khê không khởi tố hành vi đánh bạc này? Nhiều người cho rằng do Giáp, Công là cán bộ nhà nước nên được bỏ qua!
Đây là cách trả nợ theo kiểu của Giáp. Trả theo nhiều lần theo từng cơ bi-a và mỗi lần là 3 triệu đồng
Các cơ quan tố tụng cho rằng việc Giáp đưa tiền cho Tý chỉ là để trả nợ?. Trong lời khai Giáp ngụy biện rằng đang nợ Tý 14 triệu đồng. Nên khi đánh bi-a Giáp đã trả tiền cho Tý. Điều lạ là Giáp lại trả tiền cho Tý theo từng đợt, theo từng cơ bi-a. Cụ thể Giáp đã trả cho Tý theo 5 lần và mỗi lần là 3 triệu đồng. Khi được hỏi là tại sao lại trả từng đợt theo cơ bi-a thì Giáp lại hài hước cho rằng là để trêu chọc người xem?!
Trong vụ việc này có nhiều nhân chứng chứng kiến, cụ thể là em Lê Văn Hoàng khai Giáp và Tý đánh rất nhiều cơ bi-a với các mức tiền khác nhau. Trong đó có đánh 4 cơ cuối với mức cược là 3 triệu đồng/cơ bi-a. Điều này khớp với diễn biến vụ việc. Thế nhưng các cơ quan tố tụng lại cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố hành vi này?
Giáp hài hước giải thích việc trả tiền theo từng đợt là để trêu đùa người xem
Một tình tiết mới mà các bị cáo vừa cung cấp cho PV chiều tối ngày 17/8 liên quan đến hành vi của Trần Văn Giáp.
Bị cáo Phan Văn Đạt cho biết, sau khi uống rượu với Đạt ở nhà của Linh được một lúc thì đi xem đá bóng. Khi đi trên đường qua quán bi-a Anh Nhung thì thấy anh Giáp và Tý đang đánh bi-a. Thấy anh Giáp vẫy tay, gọi vào nên Tuấn và Đạt đi vào. Vào xem đánh bi-a được một lúc thì Giáp thua và ra về. Tại đây, Trần Văn Công (Cán bộ Công an huyện Hương Khê) cầm trả tiền thua bi-a cho anh trai mình và cho biết là thua 14 triệu tiền 500 nghìn còn tờ 200 nghìn thì chưa tính. Sau đó, Tuấn, Đạt cùng đi với Giáp ra ngoài cổng. Lúc này Đạt và Tuấn ra nói chuyện và được anh Giáp cho biết là thua gần 20 triệu đồng.
“Lúc đó em hỏi anh Giáp thua nhiều vậy sao không xin một ít. Lúc đó anh Giáp nói là bạn bè quen biết nên anh không xin được. Và anh Giáp nói bọn em có xin thì lại mà xin. Anh Giáp bày cho bọn em cứ nói là tiền đội bóng anh Giáp cầm. Lại xin ít về cho đội bóng uống nước”.
“Sau khi nghe anh Giáp nói vậy nên em và Tuấn vào xin tiền Tý”, bị cáo Đạt cho biết thêm.
Đây là một tình tiết quan trọng, có chăng Giáp là kẻ gợi ý, xúi giục trong vụ việc này? Một người bạn của Trần Văn Giáp cũng cho biết, Giáp là người nghiện cờ bạc.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Xuân Sinh