Vụ bắt Giám đốc bệnh viện Cai Lậy: Luật sư chỉ ra điểm bất thường
- Thứ bảy - 10/04/2021 21:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang tiếp tục làm rõ hành vi của 4 nghi phạm liên quan đến vụ giết người xảy ra ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy.
Nạn nhân được xác định là bà Võ Thị M. (tự Mướp, 43 tuổi, ngụ xã Phú An, huyện Cai Lậy).
Sau khi đấu tranh củng cố chứng cứ thì từ 10h30 đến 23h30 ngày 8/4, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Ngưu đồng thời khám xét nơi ở và nơi làm việc.
Trước khi bị bắt, nghi phạm Nguyễn Văn Ngưu là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Đến hiện tại, có 3 nghi can trong vụ án cùng bị bắt với ông Ngưu gồm: Lê Quốc Đạt (34 tuổi, ngụ P.4, thị xã Cai Lậy), Huỳnh Đức Trọng (37 tuổi, ngụ xã Thiện Trung, huyện Cái Bè) và Nguyễn Ngọc Hậu (tự Hậu Mã Voi, 25 tuổi, ngụ xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Hữu Thung (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) về những vấn đề pháp lý có thể xảy ra.
Luật sư Trần Hữu Thung.
Luật sư đánh giá thế nào về tình tiết “giết nhầm người” trong vụ án này?
Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Do đó, tính mạng của bất kỳ ai đều đáng quý và đều được pháp luật bảo vệ như nhau. Mọi hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của bất kỳ ai dù do cố ý hay do nhầm lẫn đều là vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật về hình sự tại Việt Nam cũng không có khái niệm hay quy định liên quan đến hành vi “giết nhầm người”. Vì vậy, về pháp lý không có khác biệt giữa giết người này hay giết người kia. Dù nạn nhân không phải đối tượng được nhắm đến ngay từ ban đầu mà bị giết do nhầm lẫn thì các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm hành nghề luật sư nhiều năm, tôi có một chút nghi ngờ về tình tiết này. Thông thường các trường hợp hành hung, giết nhầm người thường xảy ra đối với các tình huống phát sinh có tính bộc phát, tức thời hoặc khi hung thủ uống rượu hoặc sử dụng ma túy khiến họ phán đoán, nhận dạng sai đối tượng dẫn tới việc ra tay nhầm mục tiêu.
Trong khi, vụ án này các đối tượng phạm tội có tổ chức (có tới 3 đối tượng trực tiếp gây án và một chủ mưu) thì nhiều khả năng đã có bàn bạc, chuẩn bị, theo dõi, tiếp cận nạn nhân từ trước. Vì vậy, việc giết nhầm người là rất khó xảy ra. Chắc chắn Công an Tỉnh Tiền Giang sẽ phải làm rõ lý do, nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn tới việc các đối tượng ra tay giết nhầm người khác khi điều tra vụ án này.
Về hành vi thuê giết người sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 123 Bộ Luật Hình sự năm 2015, không chỉ người có hành vi thuê giết người mà cả người thực hiện hành vi giết người thuê đều phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt rất nặng từ phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thânhoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng ngoài tội giết người thì Bộ luật hình sự còn có quy định về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có nhiều điểm khá tương đồng và dễ nhầm lẫn. Cả hai tội này đều có chung hậu quả khiến nạn nhân tử vong. Tuy nhiên tội Giết người thì hậu quả khiến nạn nhân tử vong là mục đích hướng tới ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội trong khi tội Cố ý gây thương tích dẫn tới chết người thì việc nạn nhân tử vong nằm ngoài mong muốn và mục đích ban đầu của người phạm tội.
Theo thông tin từ phía Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết hiện tại toàn bộ bị can đã bị bắt để phục vụ điều tra. Trong quá trình điều tra hiện chỉ có bị can Đạt là công nhận trực tiếp đâm chết nạn nhân còn các đối tượng khác khai báo rất nhỏ giọt, quanh co.
Nếu trong quá trình điều tra, ông Ngưu không thừa nhận và qua khám xét nhà ở và nơi làm việc của ông Ngưu mà Cơ quan điều tra cũng không thu thập được các chứng cứ đủ mạnh như: Thỏa thuận, tin nhắn, file ghi âm, ghi hình… về quá trình trao đổi của ông Ngưu và nhóm này trước khi gây án thể hiện rõ mục đích gây án từ đầu là giết người thì không dễ để quy kết và truy tố ông Ngưu về Tội giết người theo Điều 123 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Nếu như mục đích ban đầu của ông Ngưu là thuê đối tượng này để hành hung nạn nhân nhưng do các đối tượng ra tay quá nặng dẫn tới nạn nhân tử vong thì ông Ngưu chỉ phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích dẫn tới chết người theo quy định tại Khoản 4 Điều 134 Bộ Luật Hình Sự năm 2015. Khi đó, mức hình phạt mà ông Ngưu phải đối mặt sẽ giảm đáng kể chỉ từ 07 năm đến 14 năm tù giam.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…..
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Theo điều tra, khoảng 23h30 hôm 11/3, bà Võ Thị M. chạy xe máy chở ông Trần Văn Định (59 tuổi, ngụ huyện Cái Bè) trên quốc lộ 1, hướng về Mỹ Thuận. Khi đến đoạn gần cây xăng Hồng Đức, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, bà M. bị hai thanh niên chạy xe máy cùng chiều, vượt lên cầm dao đâm vào bụng, té ngã. Bà M. được đưa vào Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu nhưng đã tử vong. Tại cơ quan Công an các nghi phạm đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bước đầu xác định, Hậu chở Đạt bằng xe máy và khi phát hiện bà M. chở ông Định thì Đạt trực tiếp đâm nạn nhân. Bước đầu nhận định khả năng ông Nguyễn Văn Ngưu, giám đốc Bệnh viên Đa khoa khu vực Cai Lậy ghen tuông nên đã thuê các nghi phạm ra tay với ông Định do nghi ngờ ông này có quan hệ không bình thường với vợ mình. Thời điểm trước khi xảy ra vụ án nhiều người thấy bà M., ông Định và vợ ông Ngưu đi nhậu cùng nhau, sau đó vợ ông Ngưu bị tai nạn được ông Định đưa vào bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cấp cứu. Có thể ông Ngưu nghi ngờ ông Định có quan hệ với vợ mình nên nhờ 3 nghi phạm ra tay dằn mặt nhưng không ngờ lại đâm trúng bà M. gây hậu quả nghiêm trọng. Một nguồn tin cho biết vợ chồng ông Ngưu đã lục đục từ lâu. Hiện vụ việc đang được Công an Tiền Giang tiếp tục điều tra làm rõ. |
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vu-bat-gd-benh-vien-cai-lay-luat-su-chi-ra-nhung-diem-bat-th...