Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Từ vụ bà Phương Hằng bị tạm hoãn xuất cảnh: Quy định về quốc tịch, hoãn xuất cảnh... ra sao?

Từ vụ bà Phương Hằng bị tạm hoãn xuất cảnh: Quy định về quốc tịch, hoãn xuất cảnh... ra sao?
Công an TP.HCM vừa có quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng để phục vụ điều tra. Xung quanh việc này, nhiều người thắc mắc những quy định về xuất cảnh, quốc tịch, xử lý hình sự người có hai quốc tịch... ra sao?

Công an TP.HCM vừa có quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng để phục vụ điều tra. Xung quanh việc này, nhiều người thắc mắc những quy định về xuất cảnh, quốc tịch,trách nhiệm hình sự (nếu có) khi một người có hai quốc tịch... ra sao?

Dưới đây là giải đáp của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, về vấn đề này.

1. Người nước ngoài, người song tịch (có hai quốc tịch) phạm tội tại Việt Nam bị xử lý thế nào?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 “Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:

“2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Như vậy, có hai trường hợp xảy ra nếu người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ nhất, người nước ngoài nếu thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Thứ hai, trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi mà người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam sẽ bị các hình thức xử lý khác nhau.

2. Người có hành vi phạm tội có được quyền nói nếu tôi phạm tội thì trục xuất tôi đi không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trục xuất là việc buộc người nước ngoài đã bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, trục xuất là hình phạt đặc thù nhất dành riêng cho người phạm tội là người nước ngoài. Nhưng nếu đồng thời là công dân VN thì VN xử tội.

Cụ thể, Trục xuất có thể được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung tùy từng trường hợp cụ thể.

3. Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước xử lý không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.

Nếu quốc gia của công dân phạm tội có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ. Như vậy, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước xử lý, tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp đều có thể bị dẫn độ.

Cụ thể, khoản 1 Điều 35 Luật tương trợ tư pháp quy định, cơ quan tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

b) Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

c) Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;

d) Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

đ) Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định về người có thể bị dẫn độ.

Công an TP.HCM tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Phương Hằng

Ngày 11-3, nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày 16-2 đến ngày 29-4 để Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phục vụ việc xác minh điều tra.

Quyết định tạm hoãn được gửi lên Bộ Công an, Công an TP.HCM và cá nhân bà Phương Hằng.

Trước đó, luật sư của các nghệ sĩ, nhà báo (từng có đơn tố giác bà Phương Hằng) cũng đã gửi đơn kiến nghị cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương và TP.HCM khởi tố bà Hằng. 

4. Luật sư nước ngoài có quyền bào chữa ở Việt Nam hay không, người song tịch có quyền nói tôi sẽ kêu luật sư nước ngoài vô cãi cho tôi?

Căn cứ theo Điều76 Luật Luật sư 2006(sửa đổi, bổ năm 2012)thì Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam. Luật sư nước ngoài không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa tại Việt Nam.

5. Những ai bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Luật hình sự?

Theo quy định Điều 124 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn:

- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ;

- Bị can, bị cáo.

Đồng thời, căn cứ theo Điều 36 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

6. Những ai được/không được thôi quốc tịch Việt Nam?

Căn cứ để xác định việc thôi quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Quốc tịch, cụ thể: Công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam.

Theo quy định nêu trên thì việc thôi quốc tịch Việt Nam là hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của công dân Việt Nam và được thể hiện bằng đơn với mục đích để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc đã có quốc tịch nước ngoài hoặc đang có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nay tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam để được hưởng quyền lợi của nước mà họ đang là công dân.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam thì đều được Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam.

- Những người xin thôi quốc tịch Việt Nam thuộc các trường hợp sau đây sẽ chưa được thôi quốc tịch (khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam):

+ Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;

+ Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;

+ Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.

- Những trường hợp sau đây không được thôi quốc tịch Việt Nam:

+ Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

+ Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/tu-vu-ba-phuong-hang-quy-dinh-ve-quoc-tich-hoan-xuat-canh-ra-s...Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/tu-vu-ba-phuong-hang-quy-dinh-ve-quoc-tich-hoan-xuat-canh-ra-sao-1047918.html

Bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm hoãn xuất cảnh
Bà Hằng bị tạm hoãn xuất cảnh để cơ quan tố tụng xử lý các đơn thư tố cáo của nhiều cá nhân đối với bà này.
Bấm xem >>

Đại gia Phương Hằng

Theo NIÊN LUẬT (Pháp luật TP HCM)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây