Phúc thẩm vụ VN Pharma: Cục Quản lý dược tắc trách
- Thứ sáu - 20/10/2017 14:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các bị cáo tại phiên tòa hôm nay
Phó Tổng giám đốc VN Pharma che giấu tội phạm?
Ngày 20/10, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu thuốc chữa bệnh ung thư xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma (gọi tắt là VN Pharma).
Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM yêu cầu làm rõ trách nhiệm của ông Phan Xuân Thiện (Phó Tổng giám đốc VN Pharma).
Theo đại diện Viện KSND, ông Phan Xuân Thiện là người giới thiệu Hoàng Trúc Vy thuê bị cáo Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật lô thuốc, Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết con dấu mang tên công ty Helix Canada là dấu giả đã có ở công ty VN pharma từ trước nhưng Thiện vẫn để mặc cho bị cáo Hùng và cấp dưới của mình thực hiện hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ lô thuốc khi về Việt Nam. Hành vi của Thiện có dấu hiệu che giấu, không tố giác tội phạm.
Đối với Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng nghiên cứu phát triển công ty VN Pharma) có hành vi thuê các dược sỹ chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác và là người đi thuê Phạm Văn Thông viết khống hồ sơ kỹ thuật thuốc. Như vậy, Vy biết rõ hành vi xuất xứ lô thuốc trên và đã thực hiện công đoạn làm giả thủ tục cho Hùng cấp phép nhập khẩu lô thuốc về Việt Nam.
Đánh giá về vai trò và trách nhiệm của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đại diện Viện KSND nhận định hội đồng giám định lô thuốc gồm 10 cán bộ do Đỗ Văn Thông làm chủ tịch hội đồng. Có 10 chuyên gia giám định, tuy nhiên trong biên bản chỉ có 7 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký cũng không có đánh giá đạt hay không đạt. Hồ sơ đăng ký lô thuốc giả nhưng Cục Quản lý Dược không phát hiện ra, cục trưởng vẫn ký cho nhập khẩu lô thuốc là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Việc làm tắc trách của Cục Quản lý dược và Bộ Y tế đã tạo điều kiện còn thực hiện khống 7 hồ sơ thuốc khác.
Phúc thẩm vụ án VN Pharma còn nhiều điểm chưa được làm rõ
Mua thuốc 5 tỷ mà chi hoa hồng cho bác sĩ 7,5 tỉ
Trong phần tranh luận, luật sư Trần Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Hùng) khẳng định có đủ bằng chứng về nguồn gốc này.
Về nội dung kháng nghị của Viện KSND cho rằng bản án sơ thẩm để lọt người, lọt tội, ông Hưng cho rằng nếu bản thân các giấy tờ do người bán hàng xuất trình là giả thì người mua không có khả năng phát hiện ra. Đến Cục quản lý Dược cũng không phát hiện ra.
Về số tiền thuê dược sĩ Thông viết hồ sơ thì 2.000 USD không quá rẻ nhưng cũng không quá lời. Tình tiết giảm nhẹ vô cùng đặc biệt là tang vật hiện nay vẫn còn và không sử dụng ở đâu cả. Bị cáo là người chủ động đưa tang vật ra ánh sáng. VN Pharma làm việc với Cục quản lý Dược vào ngày 31/7/2014 và vụ án bị khởi tố ngày 18/9/2014, minh chứng cho ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi. Đây là yếu tố quan trọng cần được làm rõ.
Luật sư Hưng cho rằng ở cấp sơ thẩm, đã có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng bị cáo vẫn bị xử mức cao nhất. Thiết nghĩ nếu áp dung giảm nhẹ thì hình phạt sẽ nhẹ hơn
Liên quan đến khoản tiền hoa hồng 7,5 tỷ đồng, HĐXX đã xét hỏi nhiều lần với các bị cáo liên quan. Tuy nhiên, luật sư Hưng đặt vấn đề: "Làm sao mua thuốc 5 tỷ mà chi hoa hồng cho bác sĩ 7,5 tỉ".
Đối với quyết định kháng nghị hủy án, bổ sung điều tra làm rõ nhiều vấn đề, luật sư cho rằng là hợp lý. Tuy nhiên trong quyết định hủy ấy phải nói cho rõ nghi ngờ hoặc nghi ngờ không chính xác. Việc xem xét trách nhiệm người có liên quan là nhu cầu của cơ quan điều tra nên không can thiệp.
Quyết định kháng nghị cũng khiến dư luận lầm tưởng trước đó đã có 7 lô hàng thực hiện. 7 bộ hồ sơ được xét duyệt này là các giấy tờ của Bộ y tế cấp chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Khi công ty VN Pharma chưa thực hiện là đã hết hạn rồi.
Xuân Duy