Ông Phạm Công Danh lĩnh 30 năm tù, khởi tố vụ án sai phạm tại Trustbank
- Thứ bảy - 10/09/2016 15:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 9/9, sau gần hai tháng xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.
Cũng bị truy tố về hai tội danh trên, bị cáo Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc VNCB) nhận 22 năm tù; Mai Hữu Khương 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Với vai trò đồng phạm 32 bị cáo khác chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.
HĐXX cũng khởi tố vụ án ngay tại tòa và kiến nghị điều tra sai phạm của nhiều người. Trong đó có bà Hứa Thị Phấn, ông Hoàng Văn Toàn (cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín (Trustbank - tiền thân của VNCB), Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi) - người giúp ông Danh vay tiền nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) và rút tiền của VNCB.
Bị cáo Danh và đồng phạm nghe tuyên án. Ảnh: H. D. |
Theo HĐXX, chỉ trong thời gian 2012 -2014, ông Danh và đồng phạm đã cấu kết thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp ký hợp đồng khống với các công ty của Danh trong việc cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút trái phép hơn 63 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, bằng việc ủy thác đầu tư cho các công ty của Quỹ Lộc Việt, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuyển 900 tỷ đồng để mua 900 trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành. Số tiền này sau đó được chuyển cho ông Danh sử dụng, đến nay không có khả năng thu hồi.
Tiếp đó, ông Danh chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.
Cuối tháng 8/2013, thông qua việc thực hiện các hợp đồng vay thế chấp giữa bà Trần Ngọc Bích với VNCB, ông Danh đã rút số 5.190 tỷ đồng khỏi ngân hàng nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này được chuyển đến tài khoản của chủ tịch Danh và ông rút ra chuyển trả nợ cho ông Trần Quý Thanh (bố bà Bích).
Ngoài ra, từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, ông Danh chỉ đạo đồng phạm sử dụng 12 pháp nhân công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, để vay tiền VNCB. Cựu chủ tịch Danh còn sử dụng một số bất động sản tại TP HCM và Đà Nẵng nâng khống giá trị nhiều lần làm tài sản thế chấp vay 5.000 tỷ đồng của VNCB. Trong khi những tài sản này đã được ông dùng để vay số tiền tương tự của ngân hàng BIDV.
HĐXX nhận định, hồ sơ vụ án đủ cơ sở xác định ông Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến đến hoạt động tín dụng, quản lý kinh tế của nhà nước.
Toà cũng cho rằng, ông Danh khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án. Quá trình điều tra, bị cáo cùng gia đình giao nhiều bất động sản để khắc phục thiệt hại thể hiện thái độ ăn năn hối cải… Trong số tiền thiệt hại, khoảng 6.000 tỷ đồng có khả năng thu hồi cao nên HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt. "Tuy nhiên, do hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên cũng cần có mức án nghiêm khắc", bản án nêu.
Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết… cũng được cho là thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, không tư lợi cá nhân… nên được toà giảm một phần trách nhiệm.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Tập đoàn Thiên Thanh và ông Danh liên đới bồi thường toàn bộ số tiền đã rút trái phép khỏi VNCB. Việc bà Quách Kim Chi có 20% cổ phần tại tập đoàn Thiên Thanh nhưng không có giấy tờ chứng minh việc góp vốn mà chỉ là hình thức nên những tài sản này phải dùng để thi hành án.
Các tài sản là bất động sản thuộc khu phức hợp Chi Lăng Đà Nẵng đang thế chấp cho Ngân hàng Xây dựng do đó tiếp tục kê biên.
Đường thất thoát của 9.000 tỷ trong đại án Phạm Công Danh. |
Đối với số tiền 5.190 tỷ đồng nhóm bà Trần Ngọc Bích vay của VNCB bằng 124 sổ tiết kiệm sau đó các bị cáo "thực hiện hành vi trái pháp luật" chuyển vào tài khoản của ông Danh để ông này chuyển trả nợ ông Thanh, theo HĐXX "là tiền tang vật vụ án" do đó cần thu hồi để khắc phục thiệt hại. Quan vệ vay mượn giữa ông Danh và ông Thanh thông qua bà Bích là quan hệ dân sự khác nên tòa tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khi ông Thanh có yêu cầu.
HĐXX cũng buộc bà Hứa Thị Phấn trả lại 948 tỷ đồng mà ông Danh "đã sử dụng tiền phạm tội" để trả cho bà này khi mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ.
Đây là vụ án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Hải Duyên