Nghi chủ mưu vụ thất thoát 9.000 tỷ dùng bằng giả
- Thứ sáu - 12/08/2016 18:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 29/7, thành viên HĐXX hỏi bị cáo Phạm Công Danh về tấm bằng đại học nộp lên ngân hàng nhà nước trong đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng - VNCB).
Trong hồ sơ, Phạm Công Danh có bằng Đại học Kinh tế TP HCM, chuyên ngành quản trị kinh doanh khóa học 1987-1991. Tuy nhiên, trong lí lịch của bị cáo thì khoảng thời gian từ năm 1982-1990, ông này đang làm ăn, kinh doanh ở tỉnh Quảng Ngãi.
Do có sự mâu thuẫn trên, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh hồ sơ tại Đại học Kinh tế TP HCM.
Theo văn bản trả lời của trường đại học trên, trong khoảng thời gian 1987-1991, tại trường không có sinh viên nào mang tên Phạm Công Danh. Qua đó cơ quan điều tra đã có kết luận rằng bằng đại học mà Danh sử dụng để nộp lên ngân hàng nhà nước trong đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) là bằng giả.
Phạm Công Danh có thể bị truy tố về tội sử dụng bằng đại học giả. Ảnh: H.Đ.
|
Theo ghi nhận của Zing.vn, thẩm phán Phạm Lương Toản (Chủ tọa) - Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM đã nhắc nhở thư ký phiên tòa ghi chép rõ tình tiết này. Cùng với đó chủ tọa phiên tòa cũng đề nghị đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa cân nhắc việc truy tố trách nhiệm của Phạm Công Danh về việc sử dụng bằng đại học giả nếu đầy đủ cơ sở.
Theo nội dung vụ án, trung tuần tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.
Bị cáo Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.
Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng (trong đó có 12 công ty của Danh lập nên). Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.