Khi thực phẩm bẩn "lên ngôi", người dân phải ăn gì để phòng chống ung thư?
- Thứ tư - 24/08/2016 10:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Như chúng tôi đã đưa tin, tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – Người tiêu dùng với tựa đề: “Đón sóng thực phẩm sạch” mới được tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS Hoàng Đình Chân - GĐ Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết, hiện nay tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là 30% do hút thuốc yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Như vậy, chỉ 30% là do kém may mắn, còn lại 70% là có thể phòng được ung thư.
Không chỉ có vậy, TS Chân còn dẫn một số báo cáo cho thấy việc sử dụng “vô tội vạ” thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản trong thực phẩm, cùng với đó là hàng loạt các vụ bê bối thực phẩm bẩn đã được cơ quan chức năng phanh phui trong thời gian gần đây.
Thực phẩm bẩn đang giết dần người Việt.
Trước cơn bão thực phẩm bẩn như vậy, người dân ăn gì để không mắc bệnh? Đây là một câu hỏi rất khó, dường như không có lời giải vì với thực trạng chung cái gì cũng bẩn, thì người dân biết chọn gì và ăn gì để an toàn.
Theo đó, từ ngọn rau bị tồn dư thuốc trừ sâu, đến con cá cũng bị ủ urê, hóa chất để tươi lâu hơn, còn lợn thì cho ăn bằng chất tạo nạc, hay vịt thì nhổ lông bằng nhựa thông độc hại… Tất cả những thực phẩm gần gũi và được người dân thường xuyên sử dụng đều “có độc”, người dân biết phải chọn gì?
Còn phương án “muốn sạch thì tự nuôi, trồng” cũng không mấy khả thi vì ở thành thị việc nuôi trồng dường như không thể vì quỹ đất không có, thời gian không có thì sẽ chẳng thể trồng hay nuôi được bất cứ cái gì. Kể cả ở nông thôn, khi có quỹ đất, có thời gian thì cách thức trồng và chăm sóc cũng chẳng được cho là sạch vì thói quen dùng phân tươi, tận dụng nước thải để tưới rau…
Vậy phải làm gì trước vấn nạn thực phẩm bẩn trên? Chẳng lẽ con người lại chịu “bó tay” chờ chết? Trước những câu hỏi hóc búa trên, các chuyên gia về dinh dưỡng, ung thư phải thừa nhận, con người hãy “sống chung với lũ”, nhưng hãy học cách mà những nước tiên tiến đang áp dụng, đó là ăn uống một cách khoa học, hợp lý.
Ăn nhiều rau xanh tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo TS Hoàng Đình Chân, ở góc độ khoa học, mỗi người nên ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là trái cây, rau xanh rất giàu vitamin, khoáng chất, các hợp chất sinh hóa cùng các thành phần chất xơ có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư.
Dẫn chứng khuyến cáo của Cục Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, TS Chân cho biết, mọi người phải ăn ít nhất 5 suất trái cây và rau xanh mỗi ngày thì mới cung cấp đủ các chất chống oxy hóa.
Không chỉ có vậy, thói quen ăn mặn của người Việt Nam cũng vô cùng nguy hiểm, việc ăn mặn hoặc dùng đồ ăn chiên, nướng nhiều không chỉ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mà nó còn là tác nhân gây nên (hoặc) thúc đẩy sự phát triển nhanh của tế bào ung thư. Vì thực phẩm chứa nhiều muối sẽ chứa nhiều nitrosaminex gây ung thư.
Ngoài ra, mọi người nên từ bỏ, hoặc giảm việc uống rượu xuống mức thấp nhất để bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống nhiều rượu sẽ làm tăng lượng mỡ tích tụ trong tim và làm giảm chức năng miễn dịch. Rượu là chất độc đối với tủy xương và có thể gây tổn thương gan dẫn đến bệnh viêm gan, xơ gan và dẫn tới ung thư.
Như vậy, trong khi chúng ta chờ đợi nhà nước quản lý chặt thực phẩm bẩn, chờ đợi những thay đổi trong cách sản xuất và buôn bán thực phẩm của người dân, thì bản thân mỗi người hãy biết tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách ăn uống khoa học.