Bà lão 30 năm bán vé số, xăng xe trong đêm nuôi cháu ăn học
- Thứ ba - 20/12/2016 11:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chúng tôi hẹn bà Ba nhiều lần nhưng bà bảo “Tôi chạy khắp nơi chú ơi, chú ở đâu rảnh tôi ghé chú!”. Sở dĩ bà bận vì công việc bán vé số từ tờ mờ sáng đến chiều tối rồi lại bán xăng xe đến 2h sáng ngày hôm sau mới về lại nhà.
Trong cơn mưa lất phất, không đợi mà chúng tôi cũng đã tìm gặp được bà Ba khi bà cùng đứa cháu Võ Văn Lộc (12 tuổi) ngồi bán xăng xe ngay ngã tư đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh.
“Xin lỗi chú. Ngày nào cũng chạy liên miên cả. Đêm nào mà không ra ngã tư này để bán xăng xe là mình mất chỗ để kiếm thêm đồng tiền để hai bà cháu có cái ăn…”, bà Ba mở lời.
Bà Ba ngồi đợi bán xăng xe cho khách cùng cháu
Ngồi nhìn xa xăm về phía dòng xe đang hối hả trên đường, bà Ba nhớ lại về thăng trầm cuộc đời mình. Trong kí ức của bà Ba, năm 10 tuổi đã xa cha mẹ từ quê nhà một mình lên Sài Gòn mưu sinh với nghề bán quạt giấy, tăm tre.
Không có vốn, bà Ba phải đi mua chịu rồi bán lại, số tiền lời phải được chia nửa cho chủ. Sau 10 năm trời buôn bán như thế, bà Ba có được một ít tiền nên bắt đầu mua đôi quang gánh bán bún, bánh bột lọc.
Bà Ba nói: “Chắc chưa ai làm nhiều nghề như tôi, kể ra cũng mấy chục nghề từ khi bước chân lên đất Sài Gòn nhưng không có nghề nào cho tôi giàu cả, chỉ đủ sống”.
Trong những lần buôn bán, có một người đàn ông thấy bà Ba tháo vát nên hay giúp đỡ, sẻ chia. Từ những hành động, cử chỉ ân cần trong suốt thời gian dài của ông đã khiến bà Ba cảm động rồi nên duyên vợ chồng với nhau.
Hai vợ chồng làm lụng chắt chiu rồi cũng cất được căn nhà nhỏ 8m2 ở quận 1. Ba đứa con sau đó cũng chào đời trong niềm vui khôn xiết nhưng cũng bắt đầu những gánh nặng lo toan về cuộc sống đè lên lưng hai vợ chồng.
Mỗi đêm bà Ba thức bán xăng xe cho khách từ 19h tối đến 2h sáng ngày hôm sau lời được 50 ngàn đồng
Theo lời ba Ba, cuộc sống quá cực khổ nên người chồng đã rời mẹ con bà về Đồng Nai sinh sống. Chính vì thế, bà một mình quang gánh bán bún, dẫn theo các con nheo nhóc khắp ngóc ngách Sài Gòn mưu sinh.
Trong sự lam lũ đó, 3 đứa con của bà Ba cũng lớn lên, biết phụ giúp đỡ bà công việc rồi được dựng vợ, gả chồng cho. Nhưng theo bà Ba: “Có lẽ cái nghèo đã đeo bám vào cuộc đời bà nên đến đời con cuộc sống bây giờ cũng vất vả, thiếu thốn…”.
Người con thứ của bà trong một lần đi bán vé số đã té ngã chấn thương sọ não. Có bao nhiêu tài sản trong nhà bà đều bán đi để chữa bệnh cho con. Thương đứa cháu Võ Văn Lộc vì cha bị tai nạn như thế mà phải nghỉ học khiến bà Ba không đặng lòng…
“Đời tôi đã khổ quá nhiều rồi nên chịu khổ thêm vẫn còn được. Tôi đi bán vé số ban ngày rồi mua xăng lại bán thêm phụ tiền cho cháu học, có miếng ăn cho cả nhà”, bà Ba xúc động nói.
Mỗi ngày lúc 6h sáng, bà Ba thức dậy để nấu cơm cho cháu và mình ăn lót dạ. Sau đó, bà Ba đưa cháu đến trường rồi đi lãnh 50 tờ vé số của đại lý để dạo bán khắp Sài Gòn. Khi tấm vé số cuối cùng đến tay khách là bà lại lật đật về lại nhà nấu cơm tối cho cháu ăn.
Bà Ba chia sẻ: “Tôi bị cao huyết áp, tay cũng yếu run rồi nên dạo bán hết vé số là về nhà khi nào trời cũng đã tối. Lót miếng cơm cho bụng ấm, tôi đi mua xăng rồi ra ngã tư Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh bán xăng. Mới đó mà nhìn lại cũng đã gần 30 năm rồi!”.
Bà Ba bán xăng cho một khách hàng qua đường
Theo lời bà Ba, đêm nào bà cũng ngồi đợi bán xăng từ 19h tối đến 2h sáng ngày hôm sau. Nếu may mắn có khách bán hết 20 lít xăng thì lời được 50 ngàn đồng, còn nếu không bán được phải lủi thủi về nhà chờ đến ngày mai.
Gần 30 năm, bà làm việc gần 18 tiếng đồng hồ như vậy nhưng bà bảo: “Không than vãn mà chỉ biết cố gắng bởi xã hội còn nhiều người mưu sinh như mình, cực khổ hơn mình!”.
Số tiền kiếm được từ việc bán vé số, bán xăng mỗi tháng, bà Ba chia làm 3 để lo cho con chữa bệnh, cho cháu được đi học và mình có cái ăn.
Chúng tôi được biết, gần 30 năm bán xăng xe bà Ba cũng đã nhiều lần nhặt được của rơi trả lại người mất. Đã có 4 lần, số tiền bà nhặt được trong ví từ vài trăm đến cả chục triệu đồng nhưng bà đều trả lại.
“Người ta bảo tôi số tiền đó phải có ăn trộm đâu sao không lấy, mình nghèo mình lấy đi cũng như ông trời thương lúc đang cực khổ. Thế nhưng tôi nhủ lòng bảo, người ta mất đau khổ, tìm kiếm khắp nơi, nếu mình cầm đồng tiền mình tiêu có đáng sống làm người mấy chục năm trên đời. Đói cho sạch, rách phải cho thơm mà!”, bà Bà nói.
Khi được hỏi về mong ước của mình, bà Ba mong có sức khỏe để còn tiếp tục công việc bán vé số, bán xăng nuôi cháu ăn học nên người. Như lời bà Ba: Ai giàu ba họ ai khó ba đời có phải không chú! Đời tôi với đời con khổ nhiều rồi vì không được ăn học tới nơi tới chốn, tôi hi vọng đời cháu nó có con chữ mà nên người”.