Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Xe hơi sẽ hiểu tài xế như con người

Xe hơi sẽ hiểu tài xế như con người
Khi "lang thang" trên Amazon hay Google, bạn bị nhận diện qua hệ thống đăng nhập và quản lý người dùng. Điều tương tự sẽ xuất hiện trên xe hơi.

Với camera và phần mềm nhận diện khuôn mặt cũng như các chỉ số sinh trắc học khác, các nhà sản xuất xe hơi đang tìm phương pháp cho việc cá nhân hóa trải nghiệm lái xe. Chiếc xe lúc này có thể phản hồi với người lái, tự động điều chỉnh ghế và chế độ lái phù hợp. Thậm chí xe có thể bật loại nhạc bạn yêu thích dựa trên tâm trạng. Không chỉ nâng tầm về mặt tiện ích mà còn là sự nâng cấp cho chức năng an toàn và bảo mật.

“Không chỉ dừng lại ở việc cá nhân hóa, chúng tôi có thể sử dụng ánh mắt để xác định chính xác người lái đang nhìn vào vật thể gì”, Zachary Bolton, kỹ sư hệ thống và công nghệ tại Continental Automotive Group, giải thích thêm về sự tinh vi của hệ thống. 

Từ đó, các kỹ sư có thể điều chỉnh giao diện tương tác giữa máy và con người, cung cấp những thông tin quan trọng như có xe đang dừng phía trước, hoặc cảnh báo khi bạn chuẩn bị vượt quá tốc độ cho phép. Thông tin hiển thị trực tiếp trên bảng điện tử hoặc trên kính chắn gió. Ngược lại, bằng cách theo dõi chuyển động lên xuống của mắt, xe có thể "nhìn" ra người lái đang bị mất tập trung và phát ra cảnh báo.

Fiat Chrysler Portal concept ra mắt tại CES 2017 với thiết kế 6 chỗ, động cơ điện và một loạt cảm biến cho phép được xếp vào dòng xe bán tự động. Ảnh: PRNews.

Continential từng chỉ ra rằng hệ thống trang bị trên xe cho phép người lái đăng nhập bằng khuôn mặt qua các hình thức đơn giản như sử dụng ảnh bằng lái. Camera hồng ngoại có thể giải quyết được các vấn đề nảy sinh do ai đó đeo kính râm. Việc đặt camera chính giữa cụm đồng hồ cũng giúp nhận diện được mắt người lái dù người này có thể đang đội mũ. Vấn đề lớn nhất gây cản trở cho việc nhận diện đó là ánh nắng soi vào cũng có thể được hệ thống camera hồng ngoại xử lý, Bolton cho biết.

Khi xe đã nhận diện được bạn là ai, hệ thống trên những mẫu như Chrysler Portal concept có thể tự điều chỉnh ghế đến mức độ thoải mái nhất, lựa chọn chế độ lái (ví dụ có những người thích lái tự động, có người lại thích điều khiển ở chế độ thể thao) và gợi ý điểm đến dựa trên lịch sử di chuyển của được ghi lại trên hệ thống.

Theo dõi gương mặt người điều khiển có thể cung cấp cho hệ thống xe một vài phán đoán về những trạng thái tâm lý cơ bản của người đó. Vài năm trở lại đây, các hãng xe như Ford và công ty công nghệ như Intel đều nghiên cứu chức năng nhận biết, rằng người điều khiển đang vui hay buồn. Tùy thuộc vào tâm trạng đó, hệ thống xe có thể thay đổi âm nhạc phù hợp, bật một bản nhạc sôi động và thay đổi hệ thống chiếu sáng trong xe nhằm giúp tâm trạng bạn trở nên khá hơn.

Dòng xe NeuV của Honda là một ví dụ. Bảng điện tử LCD tùy chỉnh và kết nối với máy tính sử dụng trí thông minh nhân tạo để tương tác với người lái. Chức năng này được đề cập đến như “cỗ máy cảm xúc” nhằm nâng cao khả năng giao tiếp với người dùng. Bên cạnh đó trợ lý cá nhân tự động của hệ thống có thể đọc được chuyển động da mặt giúp tập trung vào giọng nói người dùng và hiểu rõ hơn những hiệu lệnh bằng lời nói.

Có những lý do rất thực tế cho việc sử dụng hệ thống phân tích cảm xúc, các nhà thiết kế cho biết. Một người lái xe bình tĩnh là một người lái xe an toàn. Vì vậy khi nhận ra bạn đang tức giận, xe có thể giảm âm lượng của những âm thanh gây khó chịu như tiếng cảnh báo, tiếng chuông và bật một vài bản nhạc jazz để làm dịu tâm trạng của bạn.

Thay thế chìa khóa thủ công và chìa khóa remote bằng hệ thống trắc sinh học như nhận dạng khuôn mặt cũng là phương pháp ngăn chặn cướp xe hiệu quả. Mẫu xe điện Faraday Future FF91 bản nguyên mẫu sử dụng một camera phụ gắn ở khung cửa để nhận diện chủ xe và sẽ tự động khóa nếu có người lạ cố ý tìm cách vào trong. Những công nghệ tương tự giúp tăng thêm một vòng bảo vệ cho chiếc xe của bạn.

Các công nghệ nhận diện khuôn mặt và giọng nói cùng kết hợp trên Chrysler Portal. Hành khách có thể tạo lập các tùy chỉnh cá nhân cũng như nhóm. Ảnh: New York Times.

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, khuôn mặt của chúng ta xuất hiện ở mọi nơi: trên hồ sơ online của công ty, tài khoản Facebook của bạn và người thân, tài khoản Twitter. Vì vậy rất dễ tìm được tấm ảnh có mặt bạn, in ra và đánh lừa được hệ thống nhận diện khuôn mặt.

Nhưng các kỹ sư đã đưa ra biện pháp đối phó công nghệ cao. Camera stereo có thể nhận biết được sự khác nhau giữa ảnh phẳng và vật thể 3D. Các camera của Continetal đo lường được khoảng cách của phản xạ ánh sáng trên từng bộ phận khuôn mặt và đưa ra kết luận rằng đó có phải là mặt thật hay chỉ là ảnh.

“Một vài hệ thống còn trang bị bộ nhận diện chớp mắt và nhận diện sự sống”, Steve Grobman, trưởng phòng công nghệ bảo mật của Intel cho biết. Nhưng người đàn ông này cũng thừa nhận rằng vẫn có cách để qua mặt công nghệ. “Chúng tôi có mặt nạ 3D được in ra và sử dụng để đánh lừa một vài hệ thống”. Tuy nhiên, Grobman cho rằng hầu hết những tên trộm không đầu tư nhiều đến thế chỉ để trộm một chiếc xe.

“Việc sử dụng hệ thống bảo mật nào còn tùy thuộc vào độ chính xác mà bạn cần” – Yoni Heilbronn, trưởng phòng Marketing của Argus Cyber Security, người trực tiếp làm việc với các hãng sản xuất xe về việc ngăn chặn nguy cơ bị hack của các hệ thống, nhận xét. “Công nghệ quét võng mạc còn cho hiệu quả tốt hơn hệ thống nhận diện khuôn mặt” và đây được cho là giải pháp cho vấn đề bảo mật. “Tuy nhiên việc tăng độ bảo mật cũng đồng nghĩa với việc độ thuận tiện sẽ giảm đi”.

Mặt khác, việc cá nhân hóa công nghệ cao nên được sử dụng để tăng mức độ thuận tiện cho nhiều người dùng khác nhau chứ không chỉ riêng với chủ sở hữu của chiếc xe. Công nghệ Valet có thể tự động ngăn việc xâm nhập thông tin cá nhân trong hệ thống định vị hoặc ngăn người điều khiển chạy quá 50 km/h. Trong trường hợp nhiều người sử dụng chung một chiếc xe, những hệ thống như vậy có thể nhanh chóng điều chỉnh nội thất phù hợp với các kích thước cơ thể của từng người điều khiển khác nhau.

Việc mở rộng phạm vi cá nhân hóa cũng giúp cho việc sử dụng các loại xe cho thuê được thuận tiện và an toàn hơn. Nhận diện được vị trí của đầu và mắt, hệ thống có thể điều chỉnh vị trí của vô-lăng và gương chiếu hậu cho phù hợp. Ngay cả túi khí cũng được điều chỉnh mức độ khi thổi phồng phù hợp với vị trí và độ tuổi của người lái cũng như hành khách.

Một vài yếu tố của việc cá nhân hóa trải nghiệm lái đã được ứng dụng vào thực tế. Cuối năm nay, Ford dự định thêm hệ thống trợ lý cá nhân Alexa cho một vài dòng xe của hãng. Không chỉ dừng lại ở chức năng cá nhân hóa hệ thống âm nhạc điều khiển bằng giọng nói mà còn giúp người dùng thực hiện một số công việc như thêm đồ dùng cần mua vào danh sách chỉ với một vài từ. Tuy nhiên sự thuận tiện phải đánh đổi với một vài thông tin riêng tư.

“Vấn đề này là mối quan ngại rất lớn”, John Simpson, quản lý dự án bảo mật tại Consumer Watchdog, một nhóm vận động phi lợi nhuận, phát biểu. “Tất cả các dữ liệu trong một vài nguồn dữ liệu được thu thập không qua sự đồng ý của bạn và bạn không hề biết chúng sẽ được sử dụng như thế nào”. Hiện rất ít quy định hiện hành của chính phủ về việc sử dụng dữ liệu được thu thập từ các hệ thống và phần mềm. 

Việc sử dụng các chương trình theo dõi giao thông như Waze mà một vài người dùng đã đổi lấy sự tiện lợi bằng việc cung cấp thông tin về vị trí hiện tại của bản thân. Vấn đề này không mang tính ép buộc mà là lựa chọn cá nhân. Bạn có thể không cung cấp vị trí hiện tại và đổi lại là việc có thể bị kẹt xe đến tận 45 phút.

Ngày nay, các công nghệ sinh trắc học cơ bản như phần mềm nhận diện khuôn mặt được sử dụng cho rất nhiều trường hợp, từ đăng nhập vào Windows cho đến ngăn chặn ăn trộm giấy vệ sinh ở Bắc Kinh. Phần mềm đọc dấu vân tay thường được dùng để mở khóa điện thoại di động. Khi người dùng đã quen với việc sử dụng những hệ thống như trên thì việc áp dụng chúng vào công nghệ phương tiện di chuyển là một bước phát triển hoàn toàn tự nhiên.

Bên cạnh đó việc sử dụng các loại công nghệ này cũng có những điều thú vị. Xem xét đến các tác động về mặt giải trí và phương tiện truyền thông trên mạng xã hội, camera tích hợp trên xe có thể ghi âm và phát sóng giai điệu ngâm nga của bạn trên xe và đăng trên Facebook hoặc Twitter. Nếu để xe ở chế độ lái tự động, người điều khiển có thể nhanh chóng làm vài tấm ản selfie trên đường đi mà không gặp trở ngại gì.

“Việc sử dụng công nghệ sinh trắc học cho xe hơi là ý tưởng mới. Tuy nhiên cần lưu ý rằng camera hồng ngoại được sử dụng cho công nghệ này có thể khiến mặt bạn hơi giống một bộ xương và không được đẹp cho lắm”, Bolton nhấn mạnh.

Thu Nga (theo New York Times

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây