Vượt ải "khó nhằn": Ô tô nhập về Việt Nam giảm giá 25%
- Thứ tư - 28/03/2018 06:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, về tình hình triển khai Nghị định 116/2017 và Thông tư 03/2018, liên quan đến ô tô nhập khẩu. Có hai phương án được đưa ra, một là bỏ thủ tục Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, sửa đổi phương thức kiểm tra theo từng lô, đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Cùng với đó là kiến nghị sửa đổi Thông tư 03/2018.
Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm mọi quy định tại Nghị định 116 và Thông tư 03 một thời gian nữa. Nếu thực sự có vướng mắc, bất cập, đúng như phản ánh của các DN thì sẽ sửa đổi, bổ sung.
Xe ASEAN rộng cửa
Nhận định về kiến nghị của Bộ GTVT, giới kinh doanh ô tô cho rằng, Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là thủ tục khiến các DN gặp khó trong thời gian dài vừa qua. Mục đích chính là hạn chế ô tô nhập khẩu thuế 0%, từ khu vực ASEAN tràn vào, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lắp ráp trong nước.
Các biện pháp ngăn chặn ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thuế 0% từ ASEAN đã không còn nhiều tác dụng
Tuy nhiên, đến nay, quy định trên đã không hạn chế được xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN nữa. Thái Lan là quốc gia đầu tiên đã cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho ô tô xuất khẩu sang Việt Nam. Giấy chứng nhận này đã được Bộ GTVT Việt Nam chấp nhận và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã về cảng.
Việc kiểm tra chất lượng và khí thải với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã diễn ra. Lúc đầu, các DN ước tính sẽ mất khoảng 2 tháng mới qua “cửa” này và chi phí lên tới hàng chục nghìn USD cho mỗi lô kiểm định. Tuy nhiên, vừa qua hơn 2.000 ô tô nhập từ Thái Lan về đã được kiểm tra rất nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần và chi phí kiểm định theo lô cũng không quá tốn kém, tính bình quân chỉ khoảng 800.000 đồng/xe.
Một số DN nhập khẩu ô tô cho biết đã nhận được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô từ Chính phủ Indonesia và nộp lên Bộ GTVT. Giấy chứng nhận này cũng tương tự như giấy của Chính phủ Thái Lan, vì vậy, nhiều khả năng sẽ sớm được chấp thuận.
Như vậy, có thể nói “cửa” khó nhằn nhất coi như đã được khai thông. Dự báo thời gian tới, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc với thuế suất 0% từ khu vực ASEAN sẽ rộng đường về Việt Nam. Theo tính toán, với mức thuế suất này, xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam có thể giảm từ 23-25% giá bán lẻ.
Xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho rằng, quy định tại Nghị định 116 về các giấy tờ thủ tục liên quan như giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô, phiếu xuất xưởng, hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng,... đều là các giải pháp ngắn hạn.
Khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn để đưa ô tô về Việt Nam. Từ đó, xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Nhận định này đến nay hoàn toàn chính xác.
Xe Âu, Mỹ gặp khó
Trong khi đó, xe nhập khẩu từ khu vực ngoài ASEAN như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,.. lại gặp khó, không thể về Việt Nam. Nhiều quốc gia đến nay vẫn không cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu vì trái với thông lệ quốc tế. Nhập xe từ khu vực này về, chỉ có thể dùng Giấy chứng nhận chất lượng cấp cho xe lưu hành nội địa. Một số lô xe từ châu Âu, Mỹ nhập về cảng Việt Nam, đến nay vẫn chưa thể thông quan, do Giấy chứng nhận chất lượng, chưa được chấp thuận.
Như vậy, mục đích quan trọng nhất là ngăn chặn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, hưởng thuế suất 0%, từ khu vực ASEAN, đến nay không còn nhiều tác dụng, trong khi xe nhập khu vực ngoài ASEAN lại bị chặn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc xe nguyên chiếc chịu thuế 0%, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với xe sản xuất lắp ráp trong nước thì được nhập về. Còn xe ngoài khu vực ASEAN, chịu thuế nhập khẩu 50%, không phải đối thủ cạnh tranh chính của xe trong nước, đang bị ách tắc.
Ô tô giá rẻ rộng đường về Việt Nam, DN ô tô trong nước đối mặt với khó khăn
Về lâu dài, ngân sách sẽ thất thu đối với ô tô nhập khẩu. Với xe ASEAN thì không thu được thuế nhập khẩu, còn xe nhập khẩu ngoài ASEAN, không chỉ thất thu thuế nhập khẩu (mức 50%), mà cả thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT nữa. Con số này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Không những thế, có nguy cơ sẽ thiếu hàng, gây ra sự khan hiếm và đẩy giá xe nhập khu vực ngoài ASEAN lên cao.
Giá xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN còn rẻ hơn nữa, đó là dự báo của giới kinh doanh ô tô. Hiện 4 mẫu xe Honda Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan về có giá bán tương đương giá xe của các đối thủ cạnh tranh sản xuất lắp ráp trong nước. Chỉ cần như vậy, xe nhập vẫn chiếm ưu thế bởi tâm lý chuộng hàng ngoại của người Việt.
Tuy nhiên, sắp tới một loạt mẫu xe giá rẻ từ Indonesia tràn vào sẽ kéo giá ô tô xuống. “Cửa” ngăn chặn xe nhập giá rẻ có lẽ chỉ còn ở khâu kiểm tra theo lô. Khi xe về nhiều, sẽ phải chờ đợi lâu hơn và điều này làm tốn thời gian, tăng chi phí kho bãi, lãi vay,...
Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể, nếu tính cho từng xe, khi nhập những lô lớn. Với xe Honda nhập từ Thái Lan, giá tính thuế được Hải quan chấp nhận bình quân là 480 triệu đồng/chiếc, tính ra vẫn có điều kiện giảm giá hơn nữa.
Trong khi đó, với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, từ 1/1/2018, được giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện về mức 0% (dành cho các DN sản xuất láp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn). Điều này, chỉ giúp cho một số mẫu xe giảm giá bán từ 12-15%. Vì vậy thời gian tới xe nhập từ ASEAN được cho là vẫn có lợi thế cạnh tranh. Tình trạng này kéo dài, chắc chắn xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ gặp khó.
Việt Nam không nên dùng biện pháp hành chính để bảo hộ sản xuất ô tô trong nước, vì nó không bền vững. Cần tính đến các chính sách lâu dài - ý kiến của chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng.
Các DN thì hy vọng, thời gian tới, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước. Cùng với đó là miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam và những hỗ trợ khác. Khi đó, xe trong nước sẽ có lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu, không phải dựa vào thủ tục hành chính nữa.
Theo Trần Thủy
Vietnamnet