Thủ tướng: Bỏ Thông tư 20 phải có biện pháp thay thế
- Thứ tư - 31/08/2016 20:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cũng theo nguồn tin của Dân Trí cho hay, tại buổi làm việc với các thành viên Chính phủ hôm nay, vấn đề bỏ hay giữ Thông tư 20 đã được đích danh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra và chỉ đạo bởi đây là văn bản đã và đang gây nhiều ý kiến dư luận trong suốt thời gian qua dù hiệu lực thực thi của Thông tư này đã hết.
Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo:Bãi bỏ Thông tư 20 của Bộ Công Thương
Việc một Thông tư liên quan đến trách nhiệm ban hành và thu hồi của Bộ Công Thương nhưng lại được đích thân Thủ tướng chỉ đạo cho thấy đây là việc hy hữu và những nội dung của văn bản trên đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đồng thời, tiếng nói của dư luận và cộng đồng DN đã được thủ tướng lưu tâm.
Thủ tướng chỉ đạo: "Chúng ta cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước".
"Các bộ, ngành cần thống nhất các ý kiến và đồng thuận về Thông tư 20 . Thông tư 20 có những việc không tốt nhưng nếu bỏ đi thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn", Thủ tướng chỉ thị.
Thủ tướng khẳng định, vấn đề đặt ra xung quanh Thông tư có nhiều ý kiến trong đó việc mở cửa biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hay bảo hộ sản xuất trong nước. Quan điểm của Chính phủ là không biến nước ta thành thị trường tiêu thụ ô tô toàn thế giới được.
"Biến đất nước mình là đất nước tiêu dùng hay đất nước sản xuất. Đây là vấn đề của chính sách quản lý. Ô tô còn là bộ mặt của nền kinh tế quốc gia, nước Mỹ trong đợt suy thoái trầm trọng cũng phải bỏ ra hàng tỷ USD để giải cứu hãng ô tô GM", Thủ tướng nói.
"Nói vậy để thấy rõ, mở cơ hội kinh doanh nhưng cũng phải có biện pháp khuyến khích sản xuất trong nước phát triển. Không thể biến hàng chục triệu hộ gia đình thành các hộ kinh doanh ô tô được. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quản lý tốt được thị trường và các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, giá cả và các hoạt động trốn thuế nếu phát sinh", Thủ tướng nêu rõ.
Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành và có hiệu lực vào tháng 6/2011 và hết hiệu lực vào 1/7/2016 với quy định: các DN và thương nhân nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy ủy quyền nhà nhập khẩu hay nhà phân phối. Đồng thời, DN phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn được Bộ GTVT cấp.
Sau thời gian hết hiệu lực thực thi, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư trên đã đưa 1 quy định của Thông tư trên thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương và trình Chính phủ thông qua.
Mới đây ngày 18/8, sau khi có nhiều ý kiến dư luận, đại diện Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ về việc đồng ý bãi bỏ Thông tư 20. Tuy nhiên, Bộ này cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Ngay sau đó, Bộ GTVT đã đưa ra dự thảo Thông tư mới về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là điều kiện bắt buộc, Bộ GTVT yêu cầu các DN nhập khẩu xe phải có bản chính Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Theo nhiều DN đã và đang nhập khẩu ô tô cho rằng việc đòi hỏi bản chính Giấy Đăng ký kiểm tra chất lượng xe chẳng khác nào đánh đố DN bởi số các họ đặt xe qua các đại lý chứ không làm việc với hãng
Như vậy, với chỉ thị của Thủ tướng, số phận Thông tư 20 đã được định đoạt. Điều quan trọng nhất hiện nay là các biện pháp quản lý thị trường và xã hội như thế nào để vừa đúng tinh thần mở cửa, cải cách môi trường kinh doanh, tạo điều kiện kinh doanh của Chính phủ và Thủ tướng, nhưng cũng vừa giúp quản lý xã hội và thị trường được tốt nhất, trong đó đặc biệt là chất lượng xe nhập khẩu, quy trình bảo hành, bảo dưỡng...
Nguyễn Tuyền