Thị trường "nín lặng" chờ ô tô giá rẻ, dân buôn toát mồ hôi chống bão giá xe
- Chủ nhật - 11/03/2018 12:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuần qua, mọi thông tin người dân kỳ vọng ở thị trường xe nhất là hơn 2.000 chiếc xe hơi của Honda nhập từ Thái về Việt Nam bao giờ được đưa ra thị trường, giá bán và tính năng của các dòng xe này ra sao. Tuy nhiên, tính đến nay, ngoài Honda khuyến khích đặt hàng tại đại lý chính hãng, thì chưa ai được tiếp cận tận mắt những chiếc xe vừa được nhập có mức thuế suất 0% này.
Honda nhập dễ, tại sao các hãng vẫn kêu?
Honda, Toyota là hai hãng xe liên doanh lớn nhất Việt Nam trong nhiều chục năm qua. Các ông lớn này được ưu ái vừa xây dựng nhà xưởng sản xuất, lắp ráp vừa xây dựng kênh nhập khẩu, phân phối các dòng xe nhập khẩu tại Việt Nam.
Ngay từ khi Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu xe ô tô ban hành tháng 10/2017, các ông lớn xe hơi liên doanh Việt là những người phản đối đầu tiên. Nhưng chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải (tháng 1/2018) thì những lô xe đầu tiên gồm gần 2.000 chiếc xe của Honda đã cập cảng TP.HCM một cách thuận lợi.
Thông tin này ngay lập tức gây dư luận bởi chỉ trước đó, các doanh nghiệp liên doanh, nhập khẩu và doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn "đấu nhau" kịch liệt về chính sách liên quan đến ngành ô tô. Các liên doanh luôn đặt vấn đề khó khăn nhập xe, đổ lỗi cho Chính phủ phân biệt đối xử, không mở cửa đối với xe nhập.
Tuy nhiên, ở phía thị trường diễn biến hoàn toàn khác, các liên doanh, nhà nhập khẩu đã đua nhau đưa về các mẫu xe mà họ đã chuẩn bị từ trước đó nhiều tháng. Trong đó Honda là đại diện đầu tiên, giành thế thượng phong. Hai ông lớn còn lại có lượng xe nhập lớn từ Thái Lan, Indonesia là Toyota và Ford vẫn im hơi lặng tiếng.
Các chuyên gia hoài nghi phải chăng, các liên doanh gặp khó hay đây chỉ là phép thử chính sách, cách tính toán của các hãng xe là nằm chờ mọi chính sách hoàn thiện mới đánh mẻ lưới lớn.
Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam nội địa hoá xe hơi
Nếu như đại diện của Mỹ và doanh nghiệp xe hơi Mỹ đề nghị Việt Nam cân nhắc xây dựng điều kiện, hàng rào phi thuế quan đối với thị trường xe hơi thì mới đây, một trong những nước có ngành sản xuất ô tô hàng đầu châu Á là Hàn Quốc lại gửi thư tôn trọng và ủng hộ Việt Nam nội địa hoá ngành công nghiệp xe hơi và xây dựng các tiêu chuẩn cho xe nhập khẩu.
Đại sứ quán Hàn Quốc cho rằng, việc khuyến khích sản xuất xe tại Việt Nam sẽ khích lệ đầu tư vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp xe Hàn tại Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, bên cạnh thiên đường của xe Nhật như Honda, Toyota, Mitsubishi, Nissan hay Mazda, thị phần xe Hàn liên doanh và chuyển giao công nghệ lắp ráp cũng nhiều không kém, trong đó có hai đại diện lớn nhất là: Hyundai và Kia.
Các liên doanh này đang thực hiện chiến lược mở rộng lắp ráp, nội địa hoá lớn tại Việt Nam. Phía Hyundai hiện đang bắt tay với Tập đoàn Thành Công để sản xuất các dòng xe lớn như: xe tải, xe con, xe khách của hãng. Trong khi đó, Kia cũng bắt tay với hãng xe tư nhân lớn nhất Việt Nam là Trường Hải để xây dựng hệ sinh thái lắp ráp xe hơi từ xe con, xe khách, xe bus của Kia tại Chu Lai.
Chính phủ cấm dùng tiền ODA mua ô tô
Trong chỉ thị mới đây về việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và vay lãi suất ưu đãi (ODA), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự án không được sử dụng tiền vay vốn ODA để mua sắm xe ô tô, cho dù mục đích của xe ô tô con dùng để sử dụng cho dự án.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: rà soát, cắt giảm vốn ODA không hiệu quả, đặc biệt sử dụng vốn này cho việc mua sắm xe ô tô con.
Được biết, từ năm 2017, Việt Nam đã không nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nước nghèo và chậm phát triển để hưởng vốn ODA không hoàn lại của các nước và định chế tài chính lớn của thế giới.
Điều này đồng nghĩa là vốn ODA hiện nay của Việt Nam tiếp cận là các khoản vốn vay có lãi suất, có thời hạn trả lãi và chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và văn hoá. Việc sử dụng vốn ODA theo đó cũng phải có cách tiếp cận riêng để hạn chế chi tiêu lãng phí, không hiệu quả khiến nợ công tăng cao.
Phải kiểm lại tỷ lệ nội địa hoá xe nhập không thuế
Trong tuần, sau khi Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về Nghị định 116 và Thông tư 03 về điều kiện đối với sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh xe hơi tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có báo cáo Chính phủ.
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp và hứa sẽ xem xét các ý kiến nghiêm túc. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước phát triển, sớm đưa Việt Nam có thương hiệu ô tô.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đặc biệt đến liên bộ Công Thương và GTVT phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên ngành để kiểm tra tỷ lệ nội địa hoá xe hơi từ các nước nhập khẩu thuế 0% về Việt Nam, nhất là hai thị trường lớn nhất là Thái Lan, Indonesia.
Việc kiểm tra này nhằm xác định những chiếc xe nhập khẩu về Việt Nam có đủ tiêu chí nội địa hoá tại các nước sở tại hoặc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng trong khối ASEAN đúng tỷ lệ tối thiểu 40% hay không. Nếu không đạt tỷ lệ này hoặc nhập linh phụ kiện chủ yếu từ các nước khác, cơ chế bãi bỏ thuế quan về 0% sẽ không được thực hiện.
Đại lý tư nhân khiếp sợ với xe không thuế đổ bộ
Mặc dù chưa có chiếc xe không thuế nào ra thị trường và được bán cho người tiêu dùng Việt, nhưng thông tin hàng nghìn chiếc xe Honda mới của Thái có mức thuế 0% đang chờ tại cảng đã khiến tâm lý chờ đợi của người dân Việt càng nóng hơn.
Do người dân còn trông chờ vào xe nhập bỏ thuế về sẽ hạ giá, nên thị trường xe hơi từ sau tết đến đầu tháng 3/2018 rất trầm lắng.
Trên thị trường xe mới, mặc dù một số hãng xe trong nước tuyên bố hạ giá để kích thích mua sắm, bỏ tiền mua xe hơi song vẫn rất ảm đạm, ngoài các xe sang, xe không chịu tác động thuế hoặc xe đặt trước vẫn được giao dịch thành công, còn lại đa số dòng xe tầm trung vẫn khá khó khăn.
Trong khi đó, thị trường xe cũ, xe chạy lướt trong nước hoặc được nhập khẩu trước đó theo diện ngoại giao cũng rất trầm lắng, thậm chí nhiều đại lý không thể bán được hàng do tâm lý trông chờ xe mới hạ giá.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Trí, thị trường xe cũ hiện đang lâm vào cảnh "chết lâm sàng" tựa như thời kỳ tháng 4 và tháng 5/2017 khi hàng loạt xe nhập Ấn Độ với giá rẻ đổ bộ. Các đại lý lo sợ không bán được xe nên không mua vào những xe cũ, dòng xe sang; trong khi người tiêu dùng vốn đủ tiền mua xe cũ cũng muốn chờ đợi 1 - 2 tháng nữa để có thể thấy giá xe giảm xuống, không muốn mình mắc cảnh: mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng chỉ sau khi đặt cọc xe mấy ngày.
An Linh
Tổng hợp