Ôtô hybrid có hy vọng phổ biến ở Việt Nam?
- Chủ nhật - 14/05/2017 23:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong hơn 6 năm, từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2017, chỉ có 1.299 xe ô tô hybrid nhập khẩu vào Việt Nam. Ô tô điện là 7 chiếc, theo thống kê từ Bộ giao thông vận tải. Lượng xe hybrid nhập khẩu về Việt Nam hơn 6 năm chỉ tương đương doanh số bán một tháng của mẫu xe động cơ xăng truyền thống, như Toyota Vios. Chính sách ưu đãi chưa rõ ràng, doanh nghiệp dù có mong muốn cũng khó tiếp cận được ưu đãi riêng cho dòng xe bảo vệ môi trường.
Trong khi đó ở Singapore, tới tháng 1/2017 có 10.848 xe hybrid xăng-điện đang lưu thông, tăng 70% so với năm 2015. Sự gia tăng đáng kể này là kết quả của chính sách hỗ trợ cắt giảm khí thải xe hơi (CEVS) nhằm kích thích các nhà sản xuất và người dân quan tâm hơn về loại xe có lượng phát thải carbon thấp, tiết kiệm nhiên liệu.
Tại Thái Lan, xe hybrid chỉ phải chịu mức thuế nội địa là 10% cho xe có dung tích động cơ dưới 3.000 phân khối. Trong khi mức thuế này với dòng xe cùng loại là từ 30% đến 40%. Xe sử dụng điện và pin nhiên liệu chịu mức thuế nội địa 10% trong khi thuế với các dòng xe cùng loại từ 30% đến 50%. Tại Hàn Quốc, chủ xe hybrid cũng được hưởng nhiều ưu đãi thuế khi mua xe, được giảm 50% thuế đường bộ và mua bảo hiểm ít hơn so với xe thông thường.
Toyota Prius 2016 tại Việt Nam Motor Show 2015. Ảnh: Lương Dũng. |
Chính phủ Nhật cũng miễn thuế đánh vào trọng lượng xe và lệ phí trước bạ cho các loại xe sử dụng điện, pin nhiên liệu, hybrid, plug-in hybrid, các loại xe sử dụng khí thiên nhiên nén…
Việt Nam cũng có chiến lược phát triển thị phần "xe xanh" khi Bộ Công thương đề cập tới việc hỗ trợ xe thân thiện môi trường, eco car, hybrid, xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường.
Tuy nhiên khi đi vào thực tế, Bộ Tài chính xác định chỉ xe sử dụng năng lượng điện kết hợp với xăng và có hệ thống nạp điện ở ngoài (plug-in hybrid) mới được ưu đãi. Còn dòng hybrid với hệ thống chuyển đổi năng lượng biến thiên (từ xăng sang điện) không được thừa nhận là xe xanh và không nằm trong diện được ưu đãi thuế TTĐB.
Hiện tại, những mẫu xe thân thiện môi trường được áp dụng mức thuế TTĐB ưu đãi thấp hơn 20% so với xe thông thường, cùng chỗ (luật thuế TTĐB năm 2016).
Đại diện Toyota Việt Nam cho rằng xe có hệ thống nạp điện ở ngoài hay do chuyển hóa đều là một dòng xe xanh. Chỉ là thiết kế khác nhau. Sạc điện ngoài là trường hợp đặc biệt dành cho các nước phát triển, đường phố có hệ thống nạp điện.
Trong khi đó hybrid truyền thống có năng lượng điện được lấy từ máy phát động cơ xăng làm việc thông qua động cơ đốt trong và năng lượng thu hồi (xe xuống dốc, phanh, xe dừng và động cơ đốt trong hoạt động sinh ra điện). Ở Việt Nam đây là lựa chọn tối ưu.
"Hybrid lấy điện từ ngoài hay chuyển đổi từ xăng thì cuối cùng vẫn là giảm lượng khí thải carbonic, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Cần lấy tiêu chí này làm căn cứ chứ không phải ở việc xác định tỷ lệ xăng-điện là bao nhiêu như luật thuế TTĐB hiện nay quy định", một chuyên gia lâu năm trong ngành ôtô nêu ý kiến.
Trong điều kiện kẹt xe, tắc đường với chế độ vận hành thuần điện (EV mode), xe hybrid không hề phát thải khí carbonic và không lãng phí một giọt xăng nào. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hybrid tiết kiệm hơn 20%-30% nhiên liệu so với động cơ đốt trong truyền thống.
Bên cạnh đó, xe xăng có động cơ dung tích 2.0 phát thải tối thiểu 173 g carbonic trên mỗi km thì xe hybrid chỉ phát thải 140 g. Theo thống kê, số lượng xe hybrid giúp thế giới giảm khoảng 77 triệu tấn khí thải carbonic, tiết kiệm 29 tỷ lít xăng.
Vì sự hiểu khác nhau khi áp dụng thuế ưu đãi mà hybrid ở Việt Nam đang mặc định là xe đắt tiền, hạng sang. Khiến các nhà nhập khẩu không mặn mà với dòng xe hybrid, chỉ mang về Việt Nam để trưng bày, giới thiệu biểu tượng công nghệ.
"Người tiêu dùng phổ thông rất khó thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường khi vẫn chưa thể tiếp cận công nghệ tân tiến của thế giới, nếu luật vẫn không dựa trên đầu ra là phát thải carbonic mà chỉ dựa trên đầu vào như hiện nay", chuyên gia trên kết luận.
Quang Anh