Kiểu đi xe ngược với thế giới của người Việt
- Thứ bảy - 02/09/2017 07:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi chưa có dịp được đặt chân đến trời Tây, mới chỉ đi các nước quanh quanh như Singapore, Malaysia, Trung Quốc trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Đài Loan, Hong Kong. Cách Việt Nam hơn hai giờ bay thôi, tức cỡ bằng từ Hà Nội vào TP HCM, mà sao tôi thấy văn hóa giao thông của họ khác mình quá. Ở mấy nước tôi đi, sự tuân thủ giao thông là điều đầu tiên nhận ra khi bước chân khỏi sân bay.
Trong lần đến Đài Bắc (Đài Loan), tôi ngồi hàng ghế sau nhưng chỉ sau hơn 100 mét di chuyển thì được lái xe nhắc nhở vì mình không thắt dây an toàn. Lúc đó mình cứ hơi ngại ngại sao ấy.
Ở Việt Nam khi lái xe hoặc ngồi bên ghế phụ tôi đều thắt dây an toàn, nhưng làm điều tương tự khi ngồi ở hàng ghế sau thì đúng là chưa thực hiện tốt. Ý thức tuân thủ giao thông theo tôi ở mỗi nước mỗi khác, nhưng cảm quan thì đều hơn Việt Nam rất nhiều.
Về cơ bản những quốc gia trên tôi đặt chân tới mọi người đều rất hạn chế dùng còi, đi đúng làn và giữ khoảng cách tương đối xa giữa các xe. Với người đi bộ, các lái xe đều nhường đường và dĩ nhiên người đi bộ thì chỉ qua tại những nơi được phép, theo tín hiệu đèn giao thông.
Điểm đặc biệt nhất mà tôi nhận ra sau khoảng chục lần đặt chân đến các nước (có nước đi vài lần) đó là cách họ vượt qua giao lộ. Đèn đỏ vụt tắt để chuyển sang xanh, tất cả đều đồng loạt tăng ga vọt đi rất nhanh mà lúc mới đến tôi cảm giác như bắt đầu cuộc đua.
Ngay cả Đài Loan hay Malaysia có kha khá xe máy thì mọi người đều phóng rất nhanh mỗi khi có thể. Trong cách đi hằng ngày, họ cũng luôn đi ở tốc độ cao được phép, sử dụng phanh liên tục nên đi khá “gấu” và giật cục chứ không mượt mà như kiểu Việt Nam mình hay đi.
Khi hỏi một người bạn Đài Loan rằng tại sao bên các anh lại đi như vậy. Bạn tôi nói rằng nó là thói quen và vì muốn giải thoát lưu lượng xe khi đi qua ngã tư để những xe sau có thể lưu thông. “Nếu tao tăng ga và phóng vọt đi thật nhanh thì dĩ nhiên những xe ở sau sẽ không bị dồn ứ lại”, bạn tôi nói. “Còn khi đèn vàng và chuẩn bị sang đỏ thì phải dừng ngay, các xe từ phía đường được phép di chuyển sẽ đi rất nhanh đấy”.
Ngẫm ra cách đi xe của người Việt Nam mình thật ngộ, nó ngược hoàn toàn với mấy nước mà tôi từng đến. Ở mình khi thấy đèn vàng hoặc thậm chí là chớm đỏ, người ta sẽ tăng tốc thật nhanh để tìm cơ hội vượt qua ngã tư, thay vì dừng lại chờ thêm vài chục giây.
Cái ý thức kém đến mức luật giao thông Việt Nam còn phải bổ sung một chế tài để phạt lỗi đèn vàng mà thực tế để an toàn thì đèn vàng tức là phải dừng lại rồi. Khi đèn xanh ở Việt Nam, mọi người chậm chậm di chuyển, chậm đến mức ở những ngã tư như Tố Hữu - Lương Thế Vinh, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng… vào giờ cao điểm thì mỗi lượt đèn xanh chỉ nhích được vài ba hàng ôtô là lại chuyển sang đỏ rồi.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân trong vấn đề này nhưng một trong số đó là việc không tuân thủ phần đường, làn đường, đường nhánh, đường giao quá nhiều. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng nếu phía trước trống, tôi cũng không tự tin để vọt lên thật nhanh qua ngã tư bởi không thể đoán trước được một chiếc xe “trời ơi đất hỡi” nào sẽ cố vượt đèn đỏ để phóng qua đầu xe mình.
Lúc đó tai nạn sẽ xảy ra và ở Việt Nam thì việc giải quyết nó sẽ thật nhiều khó khăn và rườm rà. Nên thôi đành chọn giải pháp an toàn là đi chầm chậm, còn những người vượt đèn đỏ thấy thế nên lại càng vượt ở những lần sau.
Có lẽ câu chuyện về giao thông ở Việt Nam còn nhiều bất cập sẽ là đề tài muôn thuở mà khi tham gia tôi và các bạn sẽ buộc phải chấp nhận. Cái chúng ta có thể làm hiện nay là tuân thủ luật, nâng cao ý thức, từ đó thúc đẩy an toàn giao thông và hướng đến một cuộc sống văn minh hơn.
Độc giảĐinh Nam